Các ngân hàng đồng thuận ổn định lãi suất
Trong cuộc họp với đại diện 21 ngân hàng thương mại mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, NHNN đã xác định điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm điều tiết thanh khoản, các chỉ tiêu tiền tệ ở mức hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu nếu có điều kiện thì giảm lãi suất cho vay. Đây là mục tiêu xuyên suốt.
. |
Mặc dù quý I/2017, tín dụng tăng khá nhanh (đạt hơn 4%), song chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, nhất là đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, áp lực tăng lãi suất do nhu cầu về tín dụng bùng nổ là không có; tình hình giải ngân vốn đầu tư của ngân sách nhà nước trong quý I tăng thấp và Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân, nên áp lực về tín dụng đối với hệ thống ngân hàng thời gian tới sẽ không lớn như quý I.
Cho đến nay, lãnh đạo các ngân hàng lớn đều khẳng định sẽ đồng thuận, ủng hộ mục tiêu điều hành ổn định lãi suất của NHNN trong năm 2017. Đại diện nhóm ngân hàng lớn, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết: “Thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất”.
Trong khi đó, lãnh đạo VIB bày tỏ: “Chúng tôi ủng hộ mục tiêu điều hành của NHNN là tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định vì quyền lợi của ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế. Về phía VIB, chúng tôi cam kết sẽ theo chỉ đạo của NHNN, nỗ lực giữ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay”, ông Ân Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc VIB cho hay.
Thậm chí, theo lãnh đạo LienVietPostBank, nếu các ngân hàng đồng thuận, lãi suất ngân hàng vẫn có thể giảm.
Tăng lãi suất huy động chỉ là cục bộ, nhất thời
Cuộc họp của NHNN diễn ra trong bối cảnh trước đó, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động chứng chỉ gửi lên gần 9%/năm. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì các mức lãi suất được xem là “hấp dẫn” này chỉ được áp dụng ở những kỳ hạn 1,5 năm, 2 năm hoặc 3 - 5 năm.
Lý giải hiện tượng trên, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: “Đây là một hiện tượng cục bộ và mang tính thời điểm, chỉ diễn ra ở một số ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình, không phải là xu thế của toàn hệ thống. Tôi cho rằng, đây chỉ là vấn đề tạm thời, chứ không phải là suốt cả năm”.
Theo chuyên gia này, chủ trương của Chính phủ và mục tiêu điều hành của NHNN đều hướng tới việc ổn định lãi suất. Dù lãi suất chịu không ít áp lực, song nếu quyết liệt và khéo điều hành thì mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giữ được ổn định.
Mặt bằng lãi suất tại nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank,SHB,Techcom-bank, HDBank, TPBank… hầu như không thay đổi từ cuối năm 2016 đến nay. Một số ngân hàng thậm chí còn giảm nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn.
Thông tin của NHNN cũng cho thấy, một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi thời gian qua như VPBank, HDBank, VIB, Sacombank… không có áp lực thanh khoản hoặc tăng tín dụng bất thường. Như vậy,việc tăng nhẹ lãi suất ở một vài kỳ hạn chỉ là hoạt động bình thường của ngân hàng, nhằm cơ cấu lại nguồn vốn.
Ông Ân Thanh Sơn cho biết: “Trong thời gian vừa qua, VIB có một lần điều chỉnh lãi suất với kỳ hạn dài từ 12 tháng với mức điều chỉnh 0,3%. Lý do điều chỉnh là vì từ trước đến nay, ngân hàng này luôn ở trong nhóm lãi suất thấp nhất trên thị trường… Động thái tăng lãi suất chỉ là việc điều chỉnh trong hoạt động bình thường của Ngân hàng”.
Thông tin từ NHNN cũng cho thấy, lãi suất cho vay ra những ngày qua vẫn được duy trì ổn định. Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện phổ biến ở mức 6 - 9%/năm; trung và dài hạn phổ biến ở mức 9 - 11%/năm.