Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng đua tranh thị phần thanh toán trên thị trường 4,2 tỷ USD
Liên Thùy - 15/12/2015 19:49
Doanh số giao dịch thương mại điện tử năm 2015 ước đạt 4,13 tỷ USD, gấp đôi năm 2013. Với sự bùng nổ của công nghệ, các ngân hàng được coi sẽ tạo cú hích cho thương mại điện tử phát triển ở Việt Nam, vốn tăng trưởng chưa xứng với tiềm năng thời gian qua.

 Đủ kênh thanh toán điện tử

Ngày 16/12/2015 tại Hà Nội sẽ diễn ra Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015). Với thông điệp Kết nối và hợp tác nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử, VEPF 2015 có hai nội dung thảo luận chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệpThanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới.

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh thương mại điện tử gia tăng ở nước ta với các kênh thanh toán điện tử nở rộ. Dạo một vòng trên website các ngân hàng (NH) thương mại có thể thấy, hàng loạt chương trình ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng khi thanh toán bằng các loại thẻ  NH, mua sắm trực tuyến qua Internet Banking, Mobile Banking. Hàng loạt các loại thẻ đồng thương hiệu giữa NH với đơn vị cung cấp dịch vụ là hãng hàng không, công ty du lịch, siêu thị, trung tâm thương mại cũng được triển khai để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thương mại điện tử.

Các tiện ích cũng không ngừng được NH gia tăng, nâng cấp nhằm cạnh tranh và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Như Sacombank vừa bổ sung thêm tiện ích lần đầu triển khai trên dịch vụ Internet Banking là chuyển tiền đến thẻ Visa, chuyển tiền - nhận bằng di động, Eximbank cho đăng ký dịch vụ SMS Banking ngay trên Internet Banking thay vì khách hàng phải tới quầy giao dịch như trước…

 Mới đây, ngày mua sắm trực tuyến Online Friday (4-12), do Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương phối hợp cùng Hiệp hội thương mại điện tử tổ chức, đã thu hút hơn 1,1 triệu lượt truy cập vào website của chương trình trong đó có trên 8 triệu lượt xem sản phẩm. Hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia với trên 63.500 đầu sản phẩm khuyến mãi đem lại tổng doanh thu khoảng 500 tỉ đồng, gấp 3 lần năm ngoái cho thấy mua sắm qua mạng và thương mại điện tử đang ngày càng được quan tâm ở Việt Nam.

Nếu so sánh trên thị trường bán lẻ, năm 2011, thương mại điện tử chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chưa tới 1% tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam (154 triệu USD/60 tỉ USD). Đến cuối năm 2016, dự kiến tỉ trọng này sẽ tăng gần gấp 3 lần, đạt 0,71% với giá trị vốn hóa tăng gấp 6 lần, đạt trên 900 triệu USD cho thấy thị trường thanh toán trực tuyến nói riêng và thương mại điện tử ở Việt Nam rất tiềm năng. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất trong khu vực.

Thói quen dùng tiền mặt vẫn là rào cản

Dù các kênh thanh toán điện tử phát triển khá mạnh thời gian qua và được sự khuyến khích của NHNN, các NH thương mại và những đơn vị cung ứng dịch vụ, nhưng thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn phát triển chưa như kỳ vọng. Rào cản lớn nhất, theo các chuyên gia NH, chính là thói quen sử dụng tiền mặt và niềm tin của cộng đồng chưa cao.

Năm 2013, Việt Nam có hơn 72 triệu thẻ ATM được phát hành nhưng thực tế, tỉ lệ thanh toán trực tuyến bằng thẻ lại chỉ chiếm 19% trong tổng số lượng thẻ đang có mặt trên thị trường. Đến năm 2015, ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) khu vực ASEAN, cho biết hiện cả nước có khoảng 80,3 triệu thẻ ghi nợ nội địa ATM và hơn 2,5 triệu thẻ tín dụng. Số lượng máy ATM là hơn 16.100 máy, trong đó máy cà thẻ POS khoảng 200.000 cái được lắp đặt. Nhưng nếu so với các nước, Việt Nam trung bình 1.000 người dân/POS, trong khi Thái Lan 1.000 người dân/ 5 POS.

“Chưa kể, nhiều cửa hàng, shop được lắp đặt tới 4 POS (do các NH thương mại cạnh tranh với nhau - PV) nhưng chỉ xài 1 cái và 3 cái còn lại “ngủ đông” nên không hiệu quả. Cần có chính sách rà soát lại việc lắp đặt POS để quá trình thanh toán không dùng tiền mặt hiệu quả hơn. Đồng thời, khi giao dịch trên máy ATM, điều khách hàng quan tâm nhất là máy ATM phải có tiền, giao dịch được an toàn” - ông Tâm nhận xét.

Nguyên nhân khác lý giải cho việc khách hàng ngại thanh toán bằng thẻ là một số đơn vị chấp nhận thẻ vẫn thu phí của khách hàng, dù điều này vi phạm và có thể bị NHNN xử phạt. Nhưng bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty CP chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn), cho rằng phụ phí chưa hẳn là câu chuyện hàng đầu khi người dùng ngần ngại thẻ, mà quan trọng là cần mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ. Bởi hiện thị trường có khoảng 200.000 máy POS được lắp đặt nhưng chỉ khoảng 50.000 - 60.000 điểm chấp nhận thẻ là rất hạn chế để người dân thanh toán qua thẻ.

“Câu chuyện về thương hiệu thẻ quốc gia cũng cần lưu ý, Việt Nam có hơn 40 NH thương mại phát hành thẻ và mỗi NH có thương hiệu thẻ nội địa, nhưng lại chưa có một thương hiệu thẻ quốc gia. Trong khi, nhắc đến thẻ tín dụng quốc tế là khách hàng nghĩ ngay tới Visa, Master Card hay American Express…. Mới đây, Banknetvn đã được NHNN giao phối hợp với các bên liên quan xây dựng một thương hiệu thẻ nhằm nâng cao giá trị cho thẻ nội địa và tôi tin tưởng sẽ hỗ trợ cho thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam phát triển trong những năm tới” - bà Tú Anh nhìn nhận.  

Tin liên quan
Tin khác