Nợ xấu phân hóa
Chất lượng tín dụng của BaoVietBank đi lùi khi nợ xấu lên đến 1.654 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023, tăng 49% so với đầu năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,34% đầu năm lên 4%. Nhà băng này trích dự phòng rủi ro đến 91%, với 1.072 tỷ đồng, nên lãi trước thuế chỉ đạt gần 90 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của Saigonbank tính đến ngày 31/12/2023 là 404 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm 2023. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm đến 57% tổng số nợ xấu, với 232 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 2,12% đầu năm xuống còn 2,03%.
Tại BacABank, tổng nợ xấu tại thời điểm 31/12/2023 gần 916 tỷ đồng, tăng đến 78% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều gấp 4 lần đầu năm. Điều này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,55% đầu năm lên 0,92%, song đây được xem là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong hệ thống hiện nay.
Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 của PGBank là 906 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3 lần, nợ nghi ngờ gấp 2 lần đầu năm, còn nợ có khả năng mất vốn sụt giảm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 2,56%.
Chất lượng nợ vay của TPBank đi lùi khi tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2023 ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Đáng chú ý, tất cả nhóm nợ xấu đều tăng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,84% đầu năm lên 2,05%.
Tại Techcombank, đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng tăng 23,3% so với đầu năm, lên 518.642 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của ngân hàng này là 5.999 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 105,8%, lên 1.857 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 144%, lên 2.762 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 38%, lên 1.380 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, kết thúc tháng 12/2023, tại ngân hàng này, chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu, với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank tăng từ 0,68% (cuối năm 2022) lên 1,21% (tháng 9/2023). So với các ngân hàng thương mại khác, đây là con số nhỏ, nhưng so sánh biến động qua các thời kỳ của Vietcombank, thì đây là con số lớn nhất và mục tiêu trọng tâm trong năm 2024 là kiểm soát tốt nợ xấu.
Tương tự, tỷ lệ nợ xấu tại BIDV có chuyển biến tích cực, hết năm 2023 chỉ còn 1,1%. Agribank cũng duy trì nợ xấu ở mức dưới 2% và đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức thấp trong năm nay.
VietinBank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh trong quý IV/2023, thậm chí xuống mức thấp hơn cuối năm 2022. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 chỉ còn 1,12%, trong khi cuối quý III/2023 là 1,37% và cuối năm 2022 là 1,24%.
Gia tăng “bộ đệm”
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay. VietinBank đã tăng trích lập dự phòng và độ bao phủ nợ xấu, nên lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng năm 2023 chỉ hoàn thành chỉ tiêu, ở mức 22.500 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng III/2023, Vietcombank, VietinBank, BIDV nằm trong số 5 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Những ngân hàng này cũng có tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu dẫn đầu ngành. Trong đó, Vietcombank giữ vị trí quán quân với mức 280%, VietinBank và BIDV lần lượt ghi nhận ở mức 160% và 192%.
Trong bối cảnh nợ xấu nhiều ngân hàng có xu hướng tăng vào cuối quý III/2023, Techcombank đã “gia cố bộ đệm” chi phí dự phòng rủi ro trong quý IV/2023 lên 1.634 tỷ đồng, tăng 136,5% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Ngân hàng tăng lên mức 102%.
Tương tự, LPBank cho hay, nhờ quyết liệt xử lý nợ xấu trong quý IV/2023, tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ nợ xấu đạt 1,26%, thấp hơn cùng kỳ (1,45%) và thấp hơn nhiều so với quý III/2023. Kết quả này đưa LPBank lọt top các ngân hàng có nợ xấu thấp nhất toàn ngành tính đến cuối năm 2023. tra
Theo dữ liệu Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Điều này cho thấy, các ngân hàng không còn nhiều “của để dành” để trích lập dự phòng và ưu tiên hơn cho lợi nhuận.
Trong khi đó, PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, mức nợ xấu nói trên chỉ mới là con số công bố và các ngân hàng chưa xét tới việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2023. Lúc đó, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống có thể tăng đột biến bởi các khoản nợ bắt đầu nhảy nhóm. Điều này có thể gây ra một cú sốc tâm lý với nhà đầu tư và người dân, tạo rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống ngân hàng khi nhà đầu tư lo lắng và bán tháo cổ phiếu ngân hàng.