Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng giảm lãi vay để kích cầu tín dụng
Vân Linh - 04/06/2021 09:45
Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động cho vay khó tránh khỏi khó khăn. Nhiều nhà băng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng.
Nhiều nhà băng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng. 

Giảm lãi vay

Mức lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm mà PVcomBank đang áp dụng cho gói vay 9.000 tỷ đồng được đánh giá là khá cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Khách hàng có thể nắm bắt cơ hội này để tiếp tục thực hiện các kế hoạch đầu tư - kinh doanh, sở hữu tổ ấm mới, phương tiện đi lại hiện đại mà không phải quá lo lắng về sự biến động của thị trường.

Nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, mua xe, kinh doanh và tiêu dùng trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi Covid -19, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng triển khai gói ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, tiêu dùng, mua nhà, mua xe với lãi suất chỉ từ 7%/năm trong 3 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 6 tháng đầu; cố định 12 tháng là 8,5%/năm và cố định 24 tháng là 10%/năm. Tổng hạn mức lên đến 2.000 tỷ đồng dành cho gói ngắn hạn và 2.000 tỷ đồng dành cho gói trung và dài hạn...

Trong khi đó, Nam A Bank áp dụng mức lãi suất vay mua nhà thế chấp 6,99 - 9%/năm, tuy không phải mức lãi suất thấp nhất, nhưng cũng khá phù hợp cho người mua nhà, bởi đây là mức lãi suất trần, sau đó có điều chỉnh theo từng quý, từng tháng.

Một số ngân hàng ngoại cũng điều chỉnh lãi suất dành cho khách hàng cá nhân. Chẳng hạn, tại Ngân hàng UOB, lãi suất vay mua nhà được áp dụng ở mức 6,29%/năm trong 12 tháng, 7,59%/năm trong 24 tháng và 7,79%/năm trong 36 tháng đầu. Khách hàng được vay thời hạn vay tối đa 30 năm, có thể vay tối đa 100% phương án vay vốn và lên tới 80% giá trị tài sản thế chấp.

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng

Từ sau Tết Nguyên đán 2021, tín dụng có xu hướng tăng thấp (tính đến ngày 26/2/2021, tăng 0,67%, giảm 0,09% so với cuối tháng 1/2021), nhưng đã có sự phục hồi rõ rệt trong tháng 3. Tính đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 2,9% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản của toàn hệ thống tài chính tín dụng thông suốt. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020.

Riêng tại TP.HCM, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tính đến ngày 30/4/2021 ước đạt 2,61 triệu tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng 3/2021 và tăng khoảng 3,01% so với cuối năm 2020. Trong những năm trước, tín dụng thường tăng chậm trong quý I, song năm nay lại bật tăng mạnh ngay từ đầu năm, giúp nhiều ngân hàng báo lãi lớn và đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tham vọng cho năm 2021.

Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2021 của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) thực hiện, hầu hết nhà băng đều kỳ vọng, dư nợ tín dụng của hệ thống tăng 5,09% trong quý II và tăng 14,7% trong cả năm 2021.

Ngân hàng BIDV dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 10 - 12%. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, năm 2021, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8 - 11%, con số cụ thể phụ thuộc vào tình hình thực tế thị trường và chính sách điều hành tiền tệ của cơ quan quản lý. Trong khi đó, VIB, OCB đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 cao hơn, lần lượt là 30% và hơn 20%.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, mọi năm, Ngân hàng đều đạt mức tăng trưởng tín dụng 20 - 25%, thậm chí có năm đạt trên 30%. Năm nay, OCB tự tin sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đã đề ra và cao hơn mức trung bình của toàn ngành. Ngân hàng cũng đã chuẩn bị kỹ những giải pháp và kịch bản trong bối cảnh dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn để đẩy mạnh hoạt động cho vay, đồng thời kiểm soát tín dụng.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, trước tác động của dịch bệnh hiện nay, ngành ngân hàng cần nhiều giải pháp để đưa dòng vốn ra nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng nên nhìn vào chất lượng để góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững. Trước mắt, các ngân hàng nên tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống; kiểm soát chặt cho vay trong những lĩnh vực rủi ro...

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác