Thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Công văn số 1628/NHNN-CSTT về việc công bố lãi suất cho vay bình quân trước ngày 1/4, các ngân hàng rầm rộ công khai lãi suất cho vay bình quân.
ACB công bố mức lãi suất cho vay cơ sở áp dụng cho toàn hệ thống là 8,7%/năm. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý rằng, lãi suất cơ sở này được áp dụng đối với các khoản vay có lãi suất tại kỳ tái định, được tính theo biểu lãi suất cho vay tại ACB. Tại Sacombank, lãi suất vay cơ sở được công bố với VND kỳ hạn 1-3 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 4-6 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 10-12 tháng là 7,7%/năm, còn trung dài hạn là 8,5%/năm.
Tương tự, VIB cũng công bố lãi suất cho vay bình quân trong tháng 2 của khách hàng cá nhân với khoản vay ngắn hạn là 7,29%/năm; vay trung và dài hạn là 8,6%/năm. Đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất bình quân khoản vay ngắn hạn ở mức 6,83%; trung và dài hạn là 7,69%. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của VIB là 3,16%/năm.
Tại LPBank, lãi suất cho vay bình quân công bố vào cuối tháng 2 dành cho các khoản phát sinh trong tháng, không phân biệt cá nhân hay doanh nghiệp là 8,07%/năm. Lãi suất bình quân đối với tiền gửi tất cả các kỳ hạn là 5,82%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân ở mức 2,25%/năm.
BIDV công bố trên trang web về lãi suất cho vay bình quân tháng 3. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tại nhà băng này là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm. Đây là ngân hàng có số dư cho vay lớn nhất. Theo báo cáo tài chính của BIDV, năm 2023, nhà băng này cho vay khách hàng 1,74 triệu tỷ đồng, tăng 17% và dẫn đầu hệ thống về cho vay trong năm qua.
Agribank cũng công bố lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân tháng 3/2024. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ được Agribank công bố là 4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường tối thiểu 5%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn thông thường tối thiểu 6%/năm. Lãi suất cho vay đối với tiêu dùng qua thẻ tín dụng là 13%/năm.
Theo công bố, ngân hàng có lãi suất cho vay bình quân thấp nhất là VietinBank, ở mức 6,3%/năm, trong khi ngân hàng đang cho vay với lãi suất cao nhất là SaigonBank, với 9,9%/năm.
Nhìn chung, các ngân hàng có quy mô nhỏ đang hưởng mức chênh lệch giữa lãi suất huy động - cho vay cao hơn so với các ngân hàng lớn. Các ngân hàng có lợi thế về CASA (tiền gửi không kỳ hạn) như Techcombank, MB, ACB cũng ghi nhận chênh lệch lãi suất bình quân ở mức cao. Vietcombank và Agribank còn liệt kê chi phí liên quan đến huy động vốn, sử dụng vốn, kéo chênh lệch giữa lãi suất thực tế của ngân hàng xuống thấp hơn (chênh lệch giữa lãi suất sau khi trừ chi phí của Vietcombank là 1,8%/năm, còn Agribank là 1,5%/năm).
Dù lãi suất cho vay hạ, song để tìm được khách hàng vay, đẩy mạnh vốn trong lúc này không dễ. Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB, ông Lưu Trung Thái cho rằng, cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến, nhưng sẽ dần tăng trở lại. Hiện nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đang đi ngang và nếu giữ vững được phương án đi ngang trong năm nay cũng đã rất tốt.
Tuy lãi suất đã giảm, song các chuyên gia tài chính đưa ra khuyến cáo, khách hàng nên thận trọng. Tất cả quảng cáo của ngân hàng chỉ là "chiêu tung lưới" bắt nhiều cá, cá nào lọt lưới rồi lựa, tùy năng lực tài chính, rủi ro phương án, rủi ro trả nợ, rủi ro tài sản bảo đảm... của từng khách hàng mà ngân hàng áp dụng mức lãi suất hợp lý. Vì kinh doanh ngân hàng là “kinh doanh rủi ro” trên sự hiểu biết, tin tưởng, đánh giá, dự báo về khách hàng. Rủi ro cao thì lãi vay sẽ cao.
Ở khía cạnh quản lý nhà nước, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, chủ trương của ngành ngân hàng là thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
“NHNN sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn, bao gồm cả vốn tín dụng ngoại tệ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng”, ông Tú nhấn mạnh.