HDBank dành tới 7.000 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án điện mặt trời. Ảnh: Chí Cường |
Rót mạnh vốn vào năng lượng mặt trời
Ngân hàng OCB thu xếp nguồn vốn tài trợ bổ sung vốn lưu động cho Công ty cổ phần Năng lượng TTC (TTC Energy) và tài trợ đầu từ hệ thống năng lượng mặt trời cho thuê. OCB nhận tài sản bảo đảm là chính hệ thống năng lượng mặt trời hình thành từ vốn vay, với tỷ lệ tài trợ lên đến 70% tổng giá trị đầu tư của dự án.
Trong khi đó, HDBank dành tới 7.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020. Điều kiện để được vay là khách hàng phải có vốn chủ sở hữu từ 150 tỷ đồng trở lên và tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu vào dự án tối thiểu là 30% tổng mức đầu tư. HDBank cũng yêu cầu toàn bộ nguồn thu từ dự án chuyển về tài khoản thanh toán của khách hàng tại HDBank.
Còn Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế). Trong dự án này, vốn đối ứng của chủ đầu tư chiếm 40%, vốn vay các ngân hàng chiếm 60%. Dự án do Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 45 ha, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 35 MW và sản lượng điện khoảng 50 triệu KWh/năm. Công trình được khởi công xây dựng quý IV/2017 và đưa vào hoạt động vào ngày 5/10/2018.
Về phần mình, Vietcombank tài trợ hàng ngàn tỷ đồng cho điện mặt trời. Ngân hàng này vừa ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần BP Solar để tài trợ Dự án Nhà máy Điện mặt trời BP Solar 1. Tổng giá trị cấp tín dụng là 785 tỷ đồng, trong đó, Sở giao dịch Vietcombank là chi nhánh đầu mối.
Tháng 9/2018, Vietcombank Thủ Thiêm (TP.HCM) cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ Dự án Nhà máy Điện mặt trời Sêrêpôk 1 với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải. Dự án có công suất lắp đặt 50 MWp, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Trong làn sóng rót vốn vào năng lượng mặt trời, VietinBank đã tài trợ 1.000 tỷ đồng cho Dự án Điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh. Dự án có quy mô 68,8 MW, tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng.
Đẩy mạnh tín dụng xanh
Trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là những mắc xích quan trọng.
Theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/2017, tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Theo đó, nhiều ngân hàng đã và đang có những chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh. Là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện chương trình này nhằm góp phần bảo vệ môi trường, Nam A Bank đã ký kết với Qũy Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) về việc triển khai Chương trình Tín dụng xanh tại Việt Nam.
Cụ thể, Nam A Bank sẽ cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, với gói tín dụng hỗ trợ trong lĩnh vực này, mức lãi suất ngân hàng cho vay ưu đãi khoảng 5 - 6%/năm.
Bà Maud Savary Mornet, Giám đốc GCPF khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, với chương trình tín dụng xanh, GCPF và Nam A Bank sẽ đồng hành cùng khách hàng trong các mục tiêu tài chính, cũng như chung tay bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, HDBank dành 10.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, giảm 1%/năm so với lãi suất thông thường, chấp nhận tài sản hình thành từ vốn vay với tỷ lệ cho vay lên đến 80%, thời hạn vay tới 10 năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tín dụng xanh không chỉ là cơ hội, mà còn là thách thức với cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh đòi hỏi những yêu cầu khắt khe từ phía ngân hàng để đủ điều kiện cấp vốn. Trong khi đó, các ngân hàng coi đây là cơ hội để mở rộng kinh doanh và góp phần giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Tất cả nhằm hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững.
Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu
Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành đưa ra năm nay ở mức 14%, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xanh.