Rừng ngập mặn ở huyện đảo Cát Hải - Hải Phòng (ảnh nguồn Internet) |
Hải Phòng là một trong các thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do đó trong những năm gần đây Hải Phòng đã có nhiều giải pháp để ứng phó với tình hình thiên tai như nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông, trồng cây chắn sóng… Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí cũng như nhận thức của cộng đồng nên mỗi khi thiên tai xảy ra thường gây thiệt hại lớn đến cơ sở hạ tầng và sản xuất của người dân khu vực ven biển.
Vừa qua, Quỹ khí hậu xanh thuộc Ngân hàng tái thiết Cộng hòa Liên bang Đức (KfW) đã có buổi làm việc với TP. Hải Phòng về việc triển khai Dự án Quản lý và bảo tồn hệ sinh thái vùng ngập mặn đồng bằng sông Hồng, trong đó, Hải Phòng là một trong những địa phương được dự án tài trợ.
Dự án hướng đến mục tiêu thiết lập, tăng cường và duy trì hệ thống sinh thái vùng ven biển; hỗ trợ cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương và nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Hải Phòng bày tỏ mong muốn Dự án được triển khai tại một số khu vực cần ưu tiên như: rừng ngập mặn xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng, trồng cây chắn sóng tại bãi Đầu Voi xã Phù Long huyện Cát Hải, hỗ trợ hoạt động Vườn Quốc gia, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai cho cộng đồng dân cư các xã ven biển…
Được biết, để giảm tác hại do thiên tai gây ra, góp phần cải thiện môi trường sinh thái và xóa đói giảm nghèo, từ năm 2011, thành phố Hải Phòng đã triển khai Dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển, mực tiêu đến năm 2015, thành phố Hải Phòng sẽ nâng quỹ rừng ngập mặn ven biển lên hơn 6.800 ha, chiếm 27,7% diện tích bãi triều. Rừng không những bảo vệ tốt cho các tuyến đê biển, giảm kinh phí sửa chữa, tu bổ đê kè thường xuyên, mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản cho nhân dân địa phương.