Ngân hàng
Ngân hàng khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp
Ngọc Hà - 25/03/2020 09:40
Danh sách doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng đang ngày một dài thêm trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Bị giáng đòn nặng nề nhất là doanh nghiệp các ngành vận tải, du lịch, may mặc, xuất khẩu, nhà hàng ăn uống… Hiện Chính phủ và các ngân hàng đang khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Doanh thu sụt giảm 40-80%

Sở hữu chuỗi doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng ăn uống, du lịch, ông Đinh Minh, Chủ tịch HĐQT MiGroup cảm nhận rõ hơn ai hết sự tác động của dịch Covid-19. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Minh cho rằng, ngoài các giải pháp giãn, giảm thuế, hoãn thanh toán bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ ngân hàng như giãn nợ, giảm lãi vay…  

Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đang “sống dở, chết dở” vì doanh thu giảm tới 80-90%, trong khi các chi phí khác và tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả theo hạn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải lấy tiền tiết kiệm để trả lương cho nhân viên, trả tiền thuê mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Vietsence dự báo, nếu dịch bệnh kéo dài, hầu hết doanh nghiệp du lịch sẽ phải đóng cửa. Bởi vậy, sự hỗ trợ từ ngân hàng (giảm lãi, giãn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ…) là thiết thực nhất với doanh nghiệp lúc này. 

Không khá hơn ngành nhà hàng, khách sạn, du lịch, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, dệt may, da giày, vận tải… cũng đang bị tác động nặng nề vì dịch bệnh. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp vay nợ ngân hàng và sắp đến thời hạn trả nhưng dòng tiền đang bị gián đoạn và có nguy cơ rơi vào nợ xấu. 

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), hiện có 926.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, khách hàng vay có nguy cơ không trả được nợ đúng hạn.

Thống kê mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, qua điều tra 1.200 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tới 74% doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không đủ bù đắp chi phí vận hành và lãi vay.

Chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp

Trước khó khăn của doanh nghiệp, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hành lang pháp lý quan trọng để ngân hàng một mặt cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ (không làm tăng nợ xấu), một mặt tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục cho vay mới đối với phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trong thời gian tới. 

Cho đến nay, tổng số tiền mà các ngân hàng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức giảm lãi suất, miễn giảm phí, cơ cấu lại nợ… là 285.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tuần qua, các ngân hàng đã miễn giảm lãi cho 80 khách hàng với tổng số tiền khoảng 350 tỷ đồng; đang xem xét miễn giảm lãi cho khách hàng với số tiền 185.000 tỷ đồng; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mới cho khách hàng với dự kiến khoản vay 24.000 tỷ đồng; xem xét miễn giảm lãi và cho vay mới với nhiều doanh nghiệp.

Lãnh đạo các ngân hàng mại cho biết, đang thực hiện khẩn trương Thông tư 01 và sẽ hết sức hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“SHB đã triển khai gói sản phẩm tín dụng nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng trị giá 3.000 tỷ đồng, thậm chí sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng. Các đơn vị kinh doanh trong toàn hệ thống của SHB sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các gánh nặng tài chính do dịch Covid-19 gây ra và tạo điều kiện cho khách hàng duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tất cả khách hàng doanh nghiệp nằm trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được tiếp cận gói vay ưu đãi này”, ông Vũ Tuấn Anh, quyền Giám đốc Khối ngân hàng doanh nghiệp SHB khẳng định.

Được biết, SHB đưa ra rất nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, giảm 0,5-1,5% lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, miễn 100% phí chuyển tiền online cho các khách hàng doanh nghiệp, triển khai các hoạt động hỗ trợ phi tài chính như kết nối doanh nghiệp… 

“Các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay không chỉ để thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, mà còn thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Nếu như năm 2009, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện bằng nguồn ngân sách (cấp bù lãi suất), thì lần này, việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn bằng nguồn của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại chia sẻ lợi nhuận của mình để giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú nói.

Tin liên quan
Tin khác