Ngân hàng lạc quan với kế hoạch lợi nhuận năm 2022
Triển vọng GDP năm nay tăng trưởng 6-7%, độ phủ vắc-xin ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp cấp room tín dụng, gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng cùng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sắp được triển khai… đang là những thông tin tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2022.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, hỗ trợ cho sự tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2022.
“Tất nhiên, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát quay lại, sự phục hồi của một số ngành vẫn chậm…, song nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sáng sủa hơn năm trước. Ngân hàng là một trong các ngành được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhất năm nay. Ngoài tín dụng phục hồi, thì tăng trưởng của ngành còn đến từ thu nhập ngoài lãi, kiểm soát chi phí”, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank nhận định.
Dù chưa đưa ra kế hoạch tăng trưởng cụ thể cho năm 2022, song lãnh đạo VPBank cho hay, Ngân hàng đã đưa ra kịch bản tăng trưởng cao và kịch bản tăng trưởng hợp lý. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm tới của Ngân hàng có thể lên đến 30-35%.
Hiện nay, dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore. Tỷ lệ thâm nhập của sản phẩm cho khách hàng cá nhân ở Việt Nam, như cho vay mua nhà, thẻ tín dụng hoặc bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng, hiện cũng chưa cao. Trong khi đó, tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh và sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong dân số, hứa hẹn mang đến cơ hội rất lớn cho mảng bán lẻ, thúc đẩy nhu cầu nhà ở, tiêu dùng thời gian tới.
Tương tự, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB tin tưởng, Việt Nam sẽ là một trong những nước có mức độ phục hồi cao nhất khu vực, với GDP ước tính đạt 6,0-6,5% nhờ nền tảng kinh tế vững chắc và các chính sách kinh tế vĩ mô điều tiết phù hợp. VIB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 5 năm tới là trên 30%/năm.
Cùng lạc quan về lợi nhuận ngân hàng năm 2022, song một số chuyên gia phân tích cho rằng, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng năm nay sẽ có sự phân hóa rõ rệt do mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo tăng lên. Những ngân hàng có lợi thế về room tín dụng, có hệ số an toàn vốn (CAR) cao, độ bao phủ nợ xấu lớn, có mô hình hoạt động năng động, hệ sinh thái số rộng lớn… sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Trong khi đó, những ngân hàng có nợ xấu lớn, mô hình kinh doanh chậm thay đổi… sẽ đứng trước nguy cơ thụt lùi.
Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó mảng tăng trưởng đột phá được nhiều ngân hàng kỳ vọng là tín dụng bán lẻ. Đây cũng là “trận địa” mà các ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt. Thẻ, cho vay mua nhà, cho vay mua ô tô, cho vay tiêu dùng, bảo hiểm… đang được các ngân hàng chạy đua cạnh tranh ráo riết.
Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, trong 5 năm qua, mảng ngân hàng bán lẻ của VIB đã tăng trưởng 30 lần về lợi nhuận. Năm 2022, ngân hàng này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao mảng bán lẻ. Theo đó, ngoài tăng trưởng tín dụng, VIB còn tập trung vào mục tiêu cải thiện tỷ lệ CASA, tăng thị phần bảo hiểm… “Bức tranh kinh tế năm nay sẽ là cơ hội để những doanh nghiệp có nền tảng tốt khẳng định vị thế dẫn đầu”, bà Hương nhận định.
Trong khi đó, lãnh đạo VPBank (ngân hàng bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi Covid-19) cũng lạc quan cho rằng, năm 2022, tất cả phân khúc chiến lược của ngân hàng này sẽ quay lại đường ray tăng trưởng, như tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Đặc biệt, trong bán lẻ, mảng cho vay bất động sản ngày càng được nhiều ngân hàng coi trọng. Dù NHNN chủ trương siết chặt tín dụng đầu cơ bất động sản, song lại khuyến khích tín dụng bất động sản phục vụ đời sống.
Ngân hàng muốn áp dụng Luật Xử lý nợ xấu trước khi luật được thông qua
Sau Covid 19, nợ xấu bùng phát trong khi Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu sắp hết hiệu lực (chỉ còn 6 tháng nữa) khiến các ngân hàng thấp thỏm lo lắng. Ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong khoảng 2 năm trở lại đây đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hoạt động xử lý thu hồi nợ của các ngân hàng.
Đại dịch COVID-19 dẫn tới suy giảm khả năng tài chính, giảm nhu cầu mua tài sản, mua khoản nợ của các đối tác, đồng thời nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại, không dám mua tài sản vì sợ rủi ro do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ tại một số địa bàn bị tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng, như bán đấu giá, thẩm định giá, thừa phát lại… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng.
Tuy nhiên, tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu Nghị quyết 42 chấm dứt hiệu lực nửa năm tới. Dẫu còn nhiều vướng mắc, trong 5 năm qua, Nghị quyết 42 đã giúp ngân hàng phá tan "cục máu đông" nợ xấu trong nền kinh tế, đưa dòng vốn luân chuyển vào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Nếu Nghị quyết hết hiệu lực song lại chưa có chính sách chuyển tiếp, việc đòi nợ và tín dụng đóng băng là nguy cơ hiện hữu.
“Cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu của ngành Ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành Luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này”, Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty luật ANVI đề xuất.
Theo ông Đức, Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được tiếp tục duy trì trong khoảng tối thiểu 5 - 10 năm nữa, cho đến khi nào tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng lo lo lắng và cho rằng, rất cần đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị quyết 42 để xử lý vấn đề nợ xấu một cách triệt để, với thời gian và tiến độ nhanh hơn.
“Việc các TCTD thực hiện xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu dựa trên quy định của Luật về xử lý nợ xấu sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao tương ứng với các luật khác để khắc phục được những hạn chế, rào cản pháp lý trong thực tiễn thực hiện Nghị quyết 42 hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội đề nghị.
Dự đoán nợ xấu sẽ tăng mạnh nửa cuối năm 2022 và tăng mạnh hơn những năm tiếp theo nếu hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu không kịp ban hành, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Hoặc, ít nhất là gia hạn trong khoảng thời gian 3 năm để chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.
Thậm chí, ông Nguyễn Quốc Hùng còn đề nghị, cơ quan soạn thảo xây dựng theo hướng quy định cho phép các TCTD được lựa chọn áp dụng quy định của Luật Xử lý nợ xấu để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trước khi Luật về xử lý nợ xấu được thông qua, có hiệu lực.
Kể cả khi ban hành Luật xử lý nợ xấu hay kéo dài Nghị quyết 42, Hiệp hội ngân hàng cũng đề nghị, Luật Xử lý nợ xấu/Nghị quyết gia hạn phải xác định rõ vai trò các chủ thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, trong đó cần chi tiết, cụ thể hai nội dung là là chứng khoán hóa nợ xấu và mua bán nợ xấu. đồng thời phải xây dựng hệ nguyên tắc cụ thể, xác định rõ nhóm đối tượng điều chỉnh luật để đảm bảo tính ổn định và lâu dài của luật.Đồng thời, Luật cũng phải có các quy định rõ hơn về quyền chủ nợ, không ràng buộc các điều kiện về quyền thu giữ tài sản.
TS. Cấn Văn Lực: Nợ xấu có thể căng trở lại nửa cuối năm 2022
Phát biểu tại Hội thảo “Cần Luật hoá NQ 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” tổ chức sáng 19/2, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV tỏ ra lo lắng vì thiếu vắng sự hỗ trợ của hành lang pháp lý khiến nợ xấu ngân hàng có thể bật tăng mạnh nửa cuối năm nay.
Số liệu từ NHNN cho thấy, cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%. Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%) - cũng là năm mà Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực. Covid 19 đã phá hủy nhiều thành quả tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu thời gian qua.
Mặc dù hai năm vừa qua, các ngân hàng đã nỗ lực tăng mạnh bao phủ nợ xấu, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không thể chủ quan bởi bảo phủ nợ xấu chưa tính đến các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và các khoản nợ xấu tiềm ẩn từ nợ tái cơ cấu, và khả năng chuyển các khoản nợ từ nhóm 1,2 thành nợ xấu do điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp không thuận lợi trong thời gian tới (tỷ lệ nợ xấu gộp cao gấp 3,8 lần tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2021).
Mặc dù nửa đầu năm 2022, tình hình nợ xấu sẽ vẫn chưa có nhiều áp lực do Nghị quyết 42 vẫn có hiệu lực, đồng thời ngân hàng vẫn được tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid 19.
Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2022, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho vấn đề xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng. Cụ thể, Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ của NHNN sẽ chỉ có hiệu lực tới 30/6/2022. Nghị quyết 42 cũng sẽ hết hiệu lực từ 15/8/2022. Trong trường hợp Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa sẽ gây ra việc thiếu hụt các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu.
“Khi đó, tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý tiếp tục tồn đọng, quá trình xử lý nợ xấu mới phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không thể giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống các TCTD nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung”, TS.TS. Cấn Văn Lực cảnh báo.
Với viễn cảnh đó, theo chuyên gia này, vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi mà tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016 – 2020. Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024.
Trước nguy cơ nợ xấu tăng vọt nửa cuối năm do thiếu sự hỗ trợ của hành lang pháp lý, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc Hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42.
Theo gợi ý của TS. Cấn Văn Lực, hướng luật hóa Nghị quyết 42 có thể được tiến hành theo 2 bước. Bước một là có thể gia hạn, điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, cũng như kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Bước 2 là xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn.
Muôn kiểu sập bẫy trên thị trường tiền số
Cộng đồng nhà đầu tư tiền số đang xôn xao vì thông tin Quỹ đầu tư tiền kỹ thuật số crypto MMEG thua lỗ, mất trắng toàn bộ số tiền huy động 719.000 USD (gần 16 tỷ đồng). Quỹ này hoạt động theo hình thức lãi thì giữ lại 20% lợi nhuận, còn lại sẽ chia cho nhà đầu tư; nếu lỗ chạm mức 18% thì ngưng đầu tư và hoàn trả lại tiền. Hiện nhà đầu tư yêu cầu Quỹ phải trả lại 82% vốn góp (tương đương 590.000 USD).
Vụ việc trên đang được dàn xếp, song có rất nhiều phán đoán được nhà đầu tư đưa ra. Nhiều ý kiến cho rằng, với việc tiền ảo rớt giá mạnh thời gian qua, việc MMEG thua lỗ là dễ hiểu. Cũng có ý kiến cho rằng, quỹ này chỉ vờ thua lỗ để cướp tiền của nhà đầu tư.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, rất nhiều quỹ đầu tư tiền ảo tự phát nổi lên. Nhiều quỹ đầu tư tung “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận kếch xù hằng tháng, dụ hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư bỏ vốn, sau đó biến mất với chiêu bài “thua lỗ, cháy tài khoản”. Không chỉ ở các quỹ đầu tư tiền số tự phát, mà trên thị trường, rất nhiều nhà đầu tư đã mất trắng bởi rất nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Anh Nguyễn Văn Mạnh - một nhà đầu tư tại Hà Nội cho hay, anh vừa mất gần 2.000 USD vì một chiêu lừa rất tinh vi, ăn theo làn sóng đầu tư NFT đang lan rộng. Cụ thể, gần đây, anh có tham gia một nhóm đầu tư tài sản số trên mạng xã hội và thấy có một nick tự xưng là admin của nhóm, rất hay chia sẻ về các game NFT kiếm tiền miễn phí (chơi game được tặng NFT, rồi bán NFT lấy tiền).
Sau đó, đối tượng gửi anh Mạnh đường link game và hướng dẫn tham gia, anh truy cập được vào một trang web game Cat Island catislandpad với đồ họa đẹp mắt. Để chơi game này, anh phải kết nối với ví tiền ảo của mình. Ngay khi anh kết nối, trang web đòi phải nhập mật khẩu ví. Tuy nhiên, ngay sau khi truy cập, toàn bộ số tiền ảo trị giá hơn 2.000 USD trong ví của anh đã bị bốc hơi, đối tượng cũng xóa và chặn nick của anh ra khỏi nhóm.
Trong khi đó, hàng loạt nhà đầu tư Việt cũng tố nhiều dự án game do người Việt phát triển như Crypto Bike, Floki Iron... lừa đảo nhà đầu tư. Đội ngũ phát triển sau khi “lùa gà”, thu lợi hàng chục ngàn USD đã lần lượt “rút thảm” khiến giá tiền ảo của các game này rơi thẳng đứng, nhà đầu tư trắng tay.
“Những kiến thức về tài sản số còn rất mới mẻ với cộng đồng, kể cả với những người nổi tiếng. Nhiều KOL vì nhận lợi ích mà quảng cáo, lôi kéo nhà đầu tư vào các ‘dự án rác’, dự án lừa đảo. Do tin vào những người nổi tiếng và thiếu hiểu biết về tài sản số, nhiều khách hàng đã bị ‘lùa gà’, bị ‘xén lông cừu’ từ các dự án ‘ma’”, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích nhận định.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nhiều quỹ đầu tư tự phát huy động hàng triệu USD để đầu tư vào tiền số rồi bốc hơi đang ngày càng nhiều. Các hình thức lừa đảo trên thị trường tài sản số cũng tăng với tốc độ tên lửa.
Theo báo cáo từ Công ty phân tích blockchain Chainalysis, các vụ lừa đảo đã đánh cắp tới 14 tỷ USD tiền số trong năm 2021 và có nguy cơ tăng mạnh năm nay. Khảo sát thường niên với giới chức chứng khoán của Hiệp hội Các nhà quản lý chứng khoán Bắc Mỹ (NASAA) cho thấy, năm 2022, đầu tư liên quan đến tiền số và tài sản số là mối đe dọa lớn nhất với nhà đầu tư cá nhân.
Việt Nam là một trong các quốc gia có cộng đồng nhà đầu tư tiền ảo, tài sản ảo lớn mạnh nhất. Sau cơn sốt tiền ảo, thời gian gần đây, nhà đầu tư Việt lại quay cuồng với cơn sốt NFT, đổ xô mua bất động sản ảo, tranh ảo, đồ vật trong game… trên các nền tảng khác nhau.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, về dài hạn, thị trường tài sản số vẫn tích cực do xu hướng công nghệ 4.0, làn sóng số hóa, cũng như các ứng dụng của tài sản số ngày càng đa dạng. Dù vậy, thị trường tài sản số hiện nay các dự án rác, dự án lừa đảo quá nhiều và các dự án này sẽ sớm bị đào thải. Chỉ những dự án lớn mang lại giá trị thực sự, dài hạn… mới có thể tồn tại lâu.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh) cũng cho rằng, thị trường NFT đang bị thống trị bởi một số ít “cá mập”, do vậy cần một khung pháp lý quản lý thị trường tài sản số này.
Mặc dù Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, song đến nay vẫn chưa có quy định nào được ban hành. Trong khi đó, mối nguy rửa tiền, lừa đảo… liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo ngày càng hiện hữu.
Cục diện tại Eximbank thay đổi sau gần thập kỷ tranh chấp, chính thức có Chủ tịch HĐQT
Sau gần một thập kỷ tranh chấp và ròng rã 4 năm mới có thể họp Đại hội đồng cổ đông thành công, cục diện tại Ngân hàng Eximbank đã có sự thay đổi.
Eximbank đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ hai thành công trong ngày 15/2. Đại hội có hơn 146 cổ đông tham dự, đại diện cho 1,16 tỷ cổ phần, tương đương 94,6% cổ phần có quyền biểu quyết. Hơn 60,25% cổ đông tham dự đã thông qua quy chế tiến hành cuộc họp.
Như vậy, sau hơn 4 năm, Eximbank lần đầu tiên có thể đủ điều kiện về túc số để tiến hành Đại hội đồng cổ đông và một số tờ trình đã được biểu quyết thông qua. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 26/4/2021, tỷ lệ tham dự đạt 94,51%, nhưng kết quả kiểm phiếu thông qua Quy chế họp chỉ đạt 44,92%, do đó cuộc họp phải dừng lại.
Trên thực tế, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank đã kéo dài gần một thập kỷ và trở thành cao trào trong 4 năm gần đây, khi các lần Đại hội đồng cổ đông không thể tổ chức vì các bên không tìm được tiếng nói chung, liên tục đòi thanh lọc thành viên HĐQT.
Bất ổn thượng tầng trong thời gian dài khiến Eximbank từ ngân hàng tư nhân top đầu tụt sâu xuống dưới. Lợi nhuận năm 2021 của Eximbank chỉ còn đứng thứ 19 trong hệ thống, thấp hơn nhiều ngân hàng nhỏ, ngân hàng tầm trung.
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 15/2, Eximbank đã chốt xong danh sách 7 ứng viên trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2022-2025). Bà Lương Thị Cẩm Tú đã được bầu làm tân chủ tịch HĐQT eximbank.
Mới đây, Eximbank cho biết, đã chấm dứt trước hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với SMBC, kết thúc 14 năm hợp tác. Eximbank đồng ý “chia tay” đối tác ngoại, nhưng SMBC hiện vẫn là cổ đông lớn nhất tại Eximbank nắm giữ 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn điều lệ của Ngân hàng.
Thị trường kỳ vọng, Eximbank sẽ sớm ổn định sau khi chốt xong nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới. HĐQT Ngân hàng đề ra mục tiêu tổng tài sản năm 2022 đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ; huy động vốn 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021; thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ đồng, lên 1.159 tỷ đồng.
Gói 40.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất vẫn chưa được triển khai, trong khi lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng trở lại khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Theo bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đang được cơ quan này khẩn trương hoàn thiện, sẽ chính thức trình lãnh đạo NHNN để gửi các bộ, ngành cho ý kiến trong tuần này.
Trước đó, lãnh đạo NHNN cho hay, NHNN sẽ trình Chính phủ thủ tục rút gọn để Nghị định có hiệu lực ngay sau khi ban hành (thay vì tối thiểu phải sau 45 ngày ký văn bản mới có hiệu lực như quy định thông thường).
Hiện nay, vấn đề mà doanh nghiệp mong chờ nhất ở nghị định hướng dẫn là điều kiện vay thế nào, đối tượng vay ra sao. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng không đủ điều kiện được cấp bù lãi suất bởi ngành ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng.
Trong khi đó, với ngân hàng thương mại, cơ chế cấp bù lãi suất như thế nào lại là vấn đề được quan tâm nhất. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, Bộ Tài chính nên công bố danh sách đối tượng cụ thể hoặc phải quy định đối tượng vay rất cụ thể, nếu không ngân hàng sẽ không dám giải ngân.
Tán thành đề xuất trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất, bởi Bộ rất hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế. Còn nếu giao các ngân hàng thương mại quyền tự quyết, nhiều ngân hàng sẽ không dám cho vay do sợ trách nhiệm và cũng khó tránh khỏi nguy cơ “sân trước - sân sau”.
Trong khi gói cấp bù lãi suất chưa được triển khai, thì các doanh nghiệp lại đang đối mặt với nguy cơ lãi suất tăng. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trừ nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, đã có hơn chục ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,5%/năm áp dụng với từng kỳ hạn khác nhau. Cầu tín dụng tăng mạnh trở lại theo đà phục hồi kinh tế, thanh khoản hệ thống đã bớt dồi dào, áp lực lạm phát gia tăng… là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Việc ngân hàng tăng lãi suất đã được dự đoán từ năm ngoái. Lạm phát toàn cầu tăng phi mã khiến làn sóng tăng lãi suất lan rộng. Năm 2021, đã có gần 120 lượt tăng lãi suất. Xu hướng này đang tiếp diễn trong năm 2022 khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa tăng lãi suất lên mức 0,5%/năm vào đầu tháng 2/2022 và dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng tới. Nhiều quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng nhận định, Fed sẽ tăng lãi suất sớm ngay trong tháng 3/2022.
Tại Việt Nam, áp lực lạm phát không quá lớn, nhưng nguy cơ nhập khẩu lạm phát cùng với việc dòng tiền đổ xô chảy vào chứng khoán, bất động sản, trong khi cầu tín dụng bắt đầu tăng trở lại khiến thanh khoản hệ thống bớt dồi dào, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trở lại.
Bà Lê Hoàng Khánh An, Giám đốc Khối Tài chính, Ngân hàng VPBank nhận định, theo báo cáo đánh giá vĩ mô chung, hầu hết các nền kinh tế đều có xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ để đối phó với lạm phát gia tăng. Lãi suất Libor và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đều tăng.
“Kinh tế Việt Nam đang quay về trạng thái vận hành bình thường sau giai đoạn chống dịch. Hơn nữa, từ cuối năm 2021, dòng tiền dân cư có sự dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán, bất động sản khiến huy động vốn trên thị trường 1 của các ngân hàng trở nên khó khăn và cạnh tranh hơn. Do đó, mặt bằng lãi suất năm 2022 dự kiến tăng, không còn thấp như năm 2021 nữa”, bà An nói.
Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, việc giảm tiếp lãi suất cho vay theo yêu cầu của Chính phủ là thách thức không nhỏ của ngành ngân hàng. Ông Đào Minh Tú cho hay, năm 2022, NHNN sẽ điều hành lãi suất theo hướng ổn định, khuyến khích ngân hàng thương mại giảm chi phí để có điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, phía NHNN cũng cho rằng, với áp lực lạm phát và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu, việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã là một thách thức lớn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 sẽ không còn rẻ nữa. Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa vững chắc, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngân hàng vẫn phải đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên hàng đầu. Hơn nữa, dưới sức ép của Chính phủ, chắc chắn ngân hàng không dám tăng mạnh lãi suất cho vay.
Thanh khoản bớt dồi dào, lãi suất cho vay qua đêm tăng gấp đôi
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất và doanh số cho vay trên thị trường liên ngân hàng (thị trường giao dịch giữa các tổ chức tín dụng với nhau) đang tăng mạnh, đặc biệt là kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tuần.
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ngày 11/2 là 3,08%/năm, ngày 10/2 là 3,4%. So với đầu năm 2021, lãi suất cho vay qua đêm đã tăng gần gấp đôi (lãi suất cho vay qua đêm ngày 4/1 là 1,8%/năm). Còn so với ngày 31/12/2021, lãi suất cho vay qua đêm đã tăng hơn 4 lần (lãi suất cho vay qua đêm thời điểm đó là 0,73%/năm). Lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần cũng tăng mạnh từ mức 1,91%/năm ngày 4/1 lên tới mức 2,99% ngày 11/2/2022.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần và qua đêm đã có dấu hiệu nóng lên những ngày giáp tết, sau đó bật tăng mạnh sau tết nguyên đán. Không chỉ tăng mạnh về lãi suất, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng đột biến từ mức hơn 97.000 tỷ đồng hồi đầu năm (ngày 4/1), lên trên 167.000 tỷ đồng (ngày 11/2) đối với kỳ hạn qua đêm. Doanh số giao dịch các kỳ hạn khác cũng tăng gấp rưỡi, gấp đôi.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, giám đốc tài chính một ngân hàng TMCP cho hay, sở dĩ lãi suất liên ngân hàng tăng lên là do nhu cầu vay mượn giữa các ngân hàng tăng lên.
“Thanh khoản ngân hàng không còn dồi dào như trước, nhất là trong dịp Tết do người dân giảm gửi tiền, tăng rút tiền để chi tiêu. Trong khi đó, cầu tín dụng lại đang tăng mạnh trở lại”, đại diện một ngân hàng cho biết.
Ngân hàng Nhà nước chưa công bố tăng trưởng tín dụng tháng 1/2021, song theo nguồn tin của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/1/2022 đạt 1,9% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng tín dụng tháng 1 mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.
Cũng theo SSI, tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 14.400 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/ năm.Tổng lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần đạt 8.800 tỷ đồng và đưa lượng tín phiếu đang lưu hành thông qua kênh OMO là 15.500 tỷ đồng.
Mặc dù tổng lượng tín phiếu đang lưu hành không quá lớn so với các thời điểm căng thẳng trong quá khứ, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian qua tương đối khác biệt trong nhiều năm trở lại đây.
SSI Research cho rằng, có 2 lý do chính cho diễn biến trên, bao gồm việc tín dụng tăng mạnh trong vòng 2 tháng trở lại đây (trung bình 3 điểm phần trăm/ tháng), đồng thời hoạt động cấp thanh khoản thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trầm lắng.
Thực tế, không chỉ lãi suất liên ngân hàng mà trên thị trường 1 (dân cư), lãi suất tiết kiệm cũng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Ngay sau Tết nguyên đán, hàng loạt ngân hàng đã công bố tăng lãi suất 0.1-0.5%/năm tùy từng kỳ hạn.
Theo SSI Research, trong năm 2022, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14-15% và triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Theo kịch bản cơ sở, lãi suất huy động sẽ tăng 0,2 - 0,25 điểm % trong nửa cuối năm 2022.
Tín dụng tăng ngay đầu năm
Cầu vốn trở lại sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát đẩy dư nợ tín dụng tăng trong những tháng đầu năm và kỳ vọng cả năm 2022 tăng 14%.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm 2021 (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021). Dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.
Tính theo con số tăng trưởng dư nợ gần cuối tháng 1/2022, lượng tín dụng được bơm ra trong tháng 1 đạt gần 286.000 tỷ đồng, mức tăng theo tháng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trong quý IV/2021. Ông Đào Minh Tú cho hay, trong năm 2022, NHNN dự kiến mở rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên khoảng 14% và có thể linh hoạt theo định hướng điều hành.
Việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sẽ được thực hiện theo các công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và các phương án điều hành khác. Tăng trưởng tín dụng sẽ linh hoạt hơn để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực phục hồi kinh tế.
Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 12/2021 của NHNN, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, tín dụng tăng trở lại trong quý cuối cùng của năm 2021 khi cầu vốn tăng, sức khỏe doanh nghiệp dần hồi phục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình hình đầu tư đang rất cao, Chính phủ cũng có kế hoạch đưa ra các gói kích cầu tăng trưởng trong năm nay, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc của các dự án... Điều này sẽ thúc đẩy tín dụng năm 2022, khả năng tín dụng quý I tăng trưởng dương.
Dù vậy, lãi suất cho vay, theo các nhận định, có khả năng chưa thể tái tăng, trừ các khoản vay nhỏ, lẻ. Theo ông Lê Văn Bé Mười, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng vẫn tiếp tục các chương trình ưu đãi để hỗ trợ khách hàng phục hồi sau Covid-19, đáp ứng cầu vốn khách hàng tăng.
Tổng giám đốc OCB cho rằng, lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tiếp tục giảm năm 2022, dù lãi tiết kiệm tăng. Ngân hàng luôn đặt an toàn lên hàng đầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, nên sẽ khó đẩy lãi vay tăng, dù chi phí đầu vào tăng trở lại.
Liên quan đến việc giảm lãi suất, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hệ thống ngân hàng đã có 3 lần giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 0,8 điểm % trong năm 2021 và 1 điểm % trong năm 2020. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, năm 2022, dư địa chính sách tiền tệ trong gói hỗ trợ ít hơn chính sách tài khóa, dù vậy hệ thống sẽ phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1% trong 2 năm tới đây.