Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết, mới hết tháng 5 nhưng chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao trong năm nay đã gần hết.
Việc phải trình xin nới chỉ tiêu tín dụng trong thời gian tới là chắc chắn. Mang câu chuyện này hỏi tổng giám đốc một nhà băng khác, vị lãnh đạo này nhanh chóng thông tin, ngân hàng của ông được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2018 và đến thời điểm hiện tại đã dùng gần 10%.
Cơ quan quản lý đã có trong tay công cụ để kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng là hệ số an toàn vốn CAR |
Không quá bất ngờ khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các nhà băng đến thời điểm này đã cạn hoặc gần cạn, bởi để tránh lặp lại câu chuyện tăng trưởng âm những quý đầu năm, các ngân hàng thương mại đã nỗ lực đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 1/6/2018 vào khoảng 5,6%.
Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh khởi sắc, không ít ngân hàng đã được NHNN chấp thuận mở rộng chi nhánh và phòng giao dịch trong năm 2018, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn “bó hẹp”.
Nếu không được nới chỉ tiêu này, tình hình sẽ rất căng và các ngân hàng phải gồng mình để “co kéo” cho vừa. Thậm chí, lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng thương mại còn tiết lộ: “Không hiếm nhà băng hiện đã âm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như Viet A Bank, Nam A Bank, AB Bank, Eximbank”.
Trong bối cảnh này, chủ tịch một ngân hàng chia sẻ, mỗi khi chuẩn bị “kịch trần” tăng trưởng tín dụng được phép, ngân hàng lại phải trình lên NHNN, xin nới room. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng không hề dễ dàng, bởi không phải nhà băng nào xin điều chỉnh cũng được chấp thuận.
“Đầu năm, lãnh đạo nhà băng ra sức “khua chiêng gióng trống” để nhân viên đẩy mạnh cho vay. Bây giờ chưa đến giữa năm đã gần hết chỉ tiêu tăng trưởng của cả năm, chẳng nhẽ phải thổi kèn thu quân? Tình hình quá bí”, vị chủ tịch chia sẻ.
Lãnh đạo một ngân hàng khác lại nêu quan điểm: “Với những ngân hàng quy mô lớn, tăng trưởng tín dụng 1% có khi đã bằng các ngân hàng nhỏ, nên không nhất thiết phải giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quá cao. Trong khi các ngân hàng nhỏ, có tiềm năng phát triển lại bị hạn chế bởi “room” tín dụng. Biện pháp hành chính này đã có giá trị nhất định trong giai đoạn bất ổn trước đây, nhưng đến nay, việc vẫn áp đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không tạo sự cạnh tranh lành mạnh và động cơ phát triển cho các ngân hàng”.
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng đều chung quan điểm, hiện tại, NHNN nên điều hành hệ thống theo cơ chế thị trường, nghĩa là bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng, bởi thực tế, cơ quan quản lý đã có trong tay công cụ để kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng là hệ số an toàn vốn CAR.
“Tử số của CAR là vốn chủ sở hữu và mẫu số là tín dụng và đầu tư. Theo đó, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng hệ số này sẽ hợp lý hơn và không mang tính hành chính. Chúng tôi đang chờ đợi cơ quan quản lý sẽ có một quyết sách phù hợp hơn”, một tổng giám đốc nhà băng khuyến nghị.
Đáng chú ý, Báo cáo tổng hợp kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của NHNN như VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank, Nam A Bank, SeABank, VPBank, VIB, VietABank, Bao Viet Bank, TPBank, PVcomBank, LienVietPostBank, SHB, HDBank.
“Thông tin này khiến có những ý kiến nhầm lẫn rằng, các ngân hàng trên tự ý vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng thực tế, các nhà băng đều phải xin NHNN nới “room” khi hết chỉ tiêu. Chỉ riêng vấn đề này đã cho thấy bất cập trong việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại giãi bày.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam ở mức tốt và nhiều khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tin rằng, tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định thì hiện tại chính là thời điểm thích hợp để có những điều chỉnh biện pháp hành chính, thay thế bằng các công cụ gián tiếp, mang tính thị trường hơn.
“Trong bối cảnh hiện nay, nếu cho rằng, tình hình của hệ thống ngân hàng đã thực sự tốt lên, nhiều yếu kém được khắc phục, thì NHNN cần sớm công bố lộ trình điều chỉnh chính sách”, ông Thành nói.