Bán bảo hiểm và tư vấn phát hành trái phiếu đang mang lại nguồn thu lớn cho Techcombank. Ảnh: Đức Thanh |
Thu ngàn tỷ đồng ngoài lãi
Mấy năm gần đây, khách hàng vay tiền tại các nhà băng bao giờ cũng được “khuyến mại” thêm hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ. Còn đối với khách gửi tiền, việc được nhân viên ngân hàng tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ cũng không còn xa lạ. Việc ngân hàng đổ xô đi bán bảo hiểm, buôn trái phiếu cũng là lý do khiến các khoản thu ngoài lãi của ngân hàng tăng vọt vài năm qua.
Tại Techcombank, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, ngân hàng này thu về 390 tỷ đồng tiền lãi từ việc bán bảo hiểm, với doanh thu bán bảo hiểm tăng 34%.
Tương tự, thu nhập ngoài lãi của VIB trong 6 tháng tăng 68% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ lĩnh vực bảo hiểm. Hiện VIB phân phối trên 75% doanh số bancasurrance của Prudential tại Việt Nam.
Một ngân hàng khác có doanh số bán bảo hiểm tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm là MB. Nửa đầu năm nay, lãi thuần từ mảng dịch vụ của ngân hàng này đạt 1.813 tỷ đồng, trong đó, dịch vụ bảo hiểm chiếm 60%.
Tăng trưởng mạnh không kém là VPBank. Trong 6 tháng đầu năm, lãi thuần từ mảng dịch vụ của ngân hàng này đạt 1.234 tỷ đồng, trong đó lãi từ bảo hiểm chiếm khoảng 50%.
Tại TPBank, 6 tháng đầu năm nay, thu nhập từ dịch vụ kinh doanh và bảo hiểm cũng đạt gần 250 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng thu nhập từ mảng dịch vụ.
Còn tại ACB, thu từ dịch vụ bảo hiểm trong nửa đầu năm nay tăng gấp vài lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí khai thác qua kênh ngân hàng và các tổ chức tín dụng (bancassurance) ước đạt 8.300 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường.
Không chỉ bán bảo hiểm thu hoa hồng cao, hàng loạt ngân hàng còn đang đổ xô tư vấn phát hành và đầu tư trái phiếu. Từ đầu năm đến nay, một loạt nhà băng đã ồ ạt mua vào trái phiếu doanh nghiệp, như PVcomBank mua 1.300 tỷ đồng trái phiếu của Novaland, Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) - công ty con của Techcombank - mua 1.400 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc…
Hiện Techcombank là ngân hàng đầu tư, tư vấn phát hành trái phiếu nhiều nhất. Doanh thu tư vấn trái phiếu của ngân hàng này tăng 82% trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu thông qua TCBS. Lợi nhuận của công ty này trong 6 tháng lên tới 595 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II/2019, TCBS đã tư vấn phát hành thành công 7.700 tỷ đồng trái phiếu cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, tăng 413 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê cho thấy, nửa đầu năm nay, lượng trái phiếu mà các ngân hàng và các doanh nghiệp phát hành lên tới gần 90.000 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng nắm giữ chính là các ngân hàng thương mại, thông qua các công ty con là công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư.
Tránh biến tướng, hệ lụy
Bán bảo hiểm và tư vấn phát hành trái phiếu, đầu tư trái phiếu đang là những hoạt động “gà đẻ trứng vàng” mới của các nhà băng.
Theo dự báo của SSI Research, phí bảo hiểm thông qua kênh bancassurance sẽ tăng 30 - 40% và trở thành kênh bán hàng được ưa chuộng với tỷ trọng tăng lên 14% trong năm 2019. Nếu thương vụ hợp tác khủng giữa Vietcombank và đại gia ngoại được ký kết thành công tới đây, thị trường bancassurance sẽ ghi nhận doanh thu khủng.
Tuy vậy, hoa hồng từ bán bảo hiểm quá lớn, nên hiện hầu hết nhà băng đều giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên, ép khách phải ký hợp đồng bảo hiểm mới được vay vốn. Việc này gây nhiều bức xúc cho khách hàng.
Với việc các ngân hàng đua phát triển mảng tư vấn phát hành trái phiếu, theo TS. Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), việc tư vấn đầu tư trái phiếu giúp doanh nghiệp đa dạng kênh tiếp cận vốn, đồng thời giúp ngân hàng có thêm kênh thu phí.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, lợi nhuận thu về từ việc đầu tư trái phiếu sẽ khiến một số ngân hàng (như Techcombank) chỉ tập trung phát triển đầu tư trái phiếu, thay vì đẩy mạnh cho vay, nên hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Sở dĩ ngân hàng tăng tư vấn, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vì lợi nhuận cao hơn cho vay mà thanh khoản lại tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có quy định xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Vì vậy, khi đầu tư trái phiếu, ngân hàng vẫn có khả năng rủi ro khi doanh nghiệp phát hành thua lỗ, không trả được nợ và gốc. Trong trường hợp ngân hàng đứng ra phát hành trái phiếu cho cá nhân, nếu doanh nghiệp phát hành gặp sự cố, không trả nợ được cho người dân khi đến kỳ đáo hạn, thì uy tín ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế