Ngân hàng
Ngân hàng lãi to, chia cổ tức... nhỏ
Thùy Liên - 19/01/2018 13:15
Báo lãi hàng ngàn tỷ đồng, song rất hiếm ngân hàng cam kết trả cổ tức cao cho cổ đông. Thậm chí, một số ngân hàng lớn còn xin giữ lại cổ tức để tăng vốn. Lãi to, chia cổ tức nhỏ sẽ là vấn đề hâm nóng mùa họp Đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay.

Ông lớn than khó khăn, ngân hàng tầm trung hào phóng

Ngân hàng lãi lớn, khiến cổ phiếu ngành ngân hàng nóng lên thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư hy vọng, ngân hàng sẽ chi đậm cổ tức sau một năm thắng lợi.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, số ngân hàng hứa hẹn chi trả cổ tức cao cho nhà đầu tư chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngân hàng hào phóng đầu tiên là HDBank. Tổng giám đốc HDBank Nguyễn Hữu Đặng cho biết, ngân hàng này dự định chia cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2017 cho cổ đông với tỷ lệ 25 - 30%.

Vietcombank là ngân hàng ghi nhận mức lãi cao nhất trong năm 2017, với hơn 11.000 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Lợi nhuận tăng mạnh so với dự kiến cũng khiến LienVietPostBank dự tính có thể tăng tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2017 lên 15%.

Chưa công bố, song với kết quả kinh doanh tốt, VIB và VPBank cũng được dự báo chia cổ tức cao cho cổ đông. Năm ngoái, VPBank chia thưởng và trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 32,83%. Trong khi đó, VIB chi trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu lên tới 44,6% (cổ tức tiền mặt 5% và cổ phiếu thưởng là 39,6%).

Trong khi nhiều ngân hàng tầm trung hào phóng chia cổ tức, thì dù lãi khủng, nhiều “ông lớn” lại đang muốn giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2018 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank đề xuất việc giữ lại 50% cổ tức của Nhà nước được chia trong năm 2017 để tăng vốn.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank cũng đề nghị Chính phủ cho ngân hàng này được giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu.

Bộ Tài chính có gật đầu?

Tăng vốn quả thực đang là mục tiêu cấp thiết của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng TMCP quốc doanh như VietinBank, Vietcombank, BIDV. Mấy năm gần đây, các ngân hàng này đổ xô đẩy mạnh cho vay, trong khi vốn chủ sở hữu tăng không đáng kể, dẫn tới tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bị thu hẹp và đang chạm ngưỡng báo động.

Năm nay, ngành ngân hàng ghi nhận mức lãi kỷ lục: Vietcombank lãi hơn 11.000 tỷ đồng, VietinBank lãi hơn 9.200 tỷ đồng, BIDV lãi 8.800 tỷ đồng, MB lãi 5.355 tỷ đồng. Các ngân hàng nhỏ hơn cũng công bố lãi lớn, như ACB dự báo lãi 2.290 tỷ đồng, Eximbank đạt hơn 1.118 tỷ đồng, HDBank lãi trước thuế 2.420 tỷ đồng, LienVietPostBank lãi 1.700 tỷ đồng, VIB lãi 1.400 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank lo lắng, tình hình tăng vốn đối với VietinBank đã rất cấp bách. Nếu ngay trong quý I/2018, vốn tự có của VietinBank không được cải thiện, thì hệ số an toàn vốn (CAR) sẽ không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Hiện Nhà nước đang sở hữu cổ phần chi phối tại BIDV, VietinBank, Vietcombank. Do đó, nếu 3 ngân hàng này không chia hoặc giảm chia cổ tức bằng tiền mặt, thì không chỉ cổ đông nhỏ lẻ thất vọng, mà Bộ Tài chính cũng sẽ khó hài lòng, vì ngân sách nhà nước sẽ bị hụt thu.

Năm 2016, VietinBank và BIDV cũng đã từng đưa ra đề nghị tương tự sau khi được Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh”, song cuối cùng, Bộ Tài chính vẫn yêu cầu trả cổ tức bằng tiền mặt.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, tăng vốn cũng chính là để bảo vệ sức khỏe của ngân hàng, bảo vệ quyền lợi cổ đông, song việc ngân hàng giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức ít sẽ khiến nhiều cổ đông không hài lòng. Trong khi đó, phương án tăng vốn nhanh và khả dĩ nhất là sáp nhập ngân hàng yếu vào ngân hàng lớn, song phương án này không được ngân hàng lớn chấp thuận.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các ngân hàng đang chọn cách dễ nhất để tăng vốn là giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng. Trong bối cảnh ngân hàng khó khăn, cách làm này được các cổ đông chấp nhận. Tuy nhiên, khi kinh doanh khởi sắc, ngân hàng nên công bằng hơn với các cổ đông nhỏ lẻ.

Hiện nay, thị trường chứng khoán đang khá thuận lợi, song việc nhiều ngân hàng vẫn chật vật tăng vốn, liên tục “ép” cổ đông triền miên nhận cổ tức bằng cổ phiếu, cho thấy, “sức khỏe” của nhiều ngân hàng vẫn chưa thực sự vững vàng. Điều này cũng giải thích lý do tại sao, dù lợi nhuận lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí chục ngàn tỷ đồng, song cổ phiếu họ ngân hàng vẫn thấp xa so với nhiều ngành khác.

Tin liên quan
Tin khác