Nhiều tài sản đảm bảo của ngân hàng đang mắc kẹt tại các vụ án hình sự và hành chính |
Ngày 12/10, Chính phủ vừa gửi Quốc hội Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 trong đó có nêu ra một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, đề nghị Quốc hội ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu và tháo gỡ một số khó khăn cho các tổ chức tín dụng liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề xử lý tài sản đảm bảo là vật chứng của các vụ án.
Đáng chú ý, trong Báo cáo, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chỉ dạo Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án dân sự sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các tài sản đảm bảo là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác định chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42.
Theo báo cáo của Chính phủ, Điều 14 Nghị quyết 42 quy định: “Sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét không thấy ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận đảm bảo là tổ chức tín dụng”.
Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích cụ thể về việc “xử lý vụ án và thi hành án” theo quy định tại Điều 14 nói trên. Do đó, việc có hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu hay không và hoàn trả vào thơi gian nào sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến các tổ chức tín dụng rất chậm nhận được tài sản để xử lý, thu hồi nợ của các khoản nợ xấu.
Ngoài ra, Điều 14 của Nghị quyết 42 chỉ mới quy định về việc hoàn trả tài sản là vật chứng trong các vụ án hình sự cho các tổ chức tín dụng mà chưa có quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật của các vụ việc hành chính cho các tổ chức tín dụng.
Trên thực tế, xảy ra rất nhiều vụ việc tài sản đảm bảo là phương tiện vận tải bị cơ quan công an tạm giữ do là tang vật trong vụ việc vi phạm bị xử lý hành chính hoặc do vi phạm luật giao thông đường bộ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không hoàn trả các tài sản này cho tổ chức tín dụng do chưa có văn bản pháp luật quy định về nội dung này.
Trong trường hợp tài sản đảm bảo là tang vật bị tịch thu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính là bán đấu giá tài sản đảm bảo, số tiền thu được sẽ được sử dụng theo quy định pháp luật mà không chuyển cho tổ chức tín dụng. Việc xử lý tài sản đảm bảo là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính nêu trên đã dẫn tới việc tổ chức tín dụng không còn tài sản đảm bảo, gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng.