Những khó khăn trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và VAMC đã được tập hợp để báo cáo Thủ tướng. |
Một nửa nợ xấu còn lại là nợ khó nhằn
TS. Cấn Văn lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, tính từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 264.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, tương đương 52% tổng nợ xấu theo Nghị quyết này. Việc xử lý số nợ xấu này đã kéo tỷ lệ nợ xấu từ gần 7,4% cuối năm 2017 xuống khoảng 5% hiện nay.
Nếu tốc độ xử lý nợ xấu được duy trì, nhiều khả năng đến năm 2020, nợ xấu gộp toàn hệ thống (nợ nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC, nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng) có thể về dưới 3% như mục tiêu đề ra. “Tuy nhiên, để làm được điều này, Quốc hội kỳ họp tới đây cần tháo gỡ 4-5 vướng mắc liên quan đến Nghị quyết 42”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Theo các ngân hàng thương mại, tuy có tới hơn 52% nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã được xử lý trong vòng 2 năm, song 48% số nợ xấu còn lại mới là nợ khó nhằn nhất, vì những khoản nợ dễ thu hồi đã được nhà băng xử lý trước. Số nợ xấu còn lại, nếu không tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thu giữ tài sản đảm bảo, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại tòa án, xử lý các vấn đề liên quan đến sở hữu, nộp thuế, thành lập thị trường mua bán nợ..., thì rất khó giải quyết.
“Đơn cử như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, dù Nghị quyết 42 cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo, song thực tế, nếu không có sự chấp thuận của con nợ, ngân hàng không thể thu giữ để xử lý. Thời gian đầu thực hiện Nghị quyết 42, nhiều con nợ hợp tác bàn giao tài sản cho ngân hàng, song gần đây, khi thấy công an, chính quyền, tòa án chậm vào cuộc, các con nợ có xu hướng chây ỳ trở lại, thậm chí còn rủ nhau chây ỳ trả nợ”, lãnh đạo một ngân hàng TMCP lo lắng.
Cho đến nay, mọi vướng mắc liên quan đến Nghị quyết 42 chủ yếu nằm ở tài sản đảm bảo, gồm cả quyền thu giữ lẫn quá trình xử lý. Dù Nghị quyết 42 đã quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản đảm bảo, song vẫn chưa có trường hợp nào được xử lý theo quy trình rút gọn này, các cán bộ tòa án có tâm lý lo sợ bị quy trách nhiệm vì đây là việc chưa có tiền lệ.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của lực lượng công an tham gia quá trình thu giữ tài sản đảm bảo chưa được quy định rõ, nên ở nhiều nơi, công an chưa phối hợp với các tổ chức tín dụng khi thu hồi tài sản đảm bảo.
Được biết, những khó khăn trên của các tổ chức tín dụng và VAMC đã được tập hợp để báo cáo Thủ tướng, các bộ, ngành và tới đây là các đại biểu quốc hội. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu không sớm được Quốc hội tháo gỡ, việc xử lý nợ xấu theo Nghị Quyết 42 thời gian tới khó có được đột phá.
Sớm hình thành chợ mua bán nợ
Ngoài các khó khăn liên quan đến tài sản đảm bảo, chậm thiết lập thị trường mua bán nợ cũng là một trong các nguyên nhân khiến quá trình xử lý nợ xấu chưa thể đẩy nhanh.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục chào bán các khối tài sản nợ xấu có giá trị hàng trăm, hàng chục ngàn tỷ đồng. Song có ngân hàng đấu giá 5-7 lần chưa thành công, do “chợ” nợ xấu chưa hình thành. Hiện mới chỉ có thị trường mua bán nợ xấu sơ cấp, số lượng giao dịch ít, hoạt động mua bán nợ diễn ra đơn lẻ, thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin.
Được biết, VAMC đang xây dựng Đề án Thành lập Sàn giao dịch nợ xấu, trước mắt đã thống nhất thành lập Câu lạc bộ AMC (gồm VAMC, các công ty mua bán nợ trực thuộc ngân hàng).
Theo kế hoạch, năm 2020-2021, VAMC sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch nợ xấu; đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch mua bán nợ xấu và thị trường mua bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC là trung tâm của thị trường. Tuy nhiên, để có thể làm tốt vai trò này, VAMC cần phải được nâng cao năng lực tài chính. Với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng hiện nay, việc mua hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường - theo kế hoạch đề ra của công ty - là rất khó khăn.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, để thị trường mua bán nợ vận hành suôn sẻ, Quốc hội cần sớm vào cuộc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan đến thuế, chuyển nhượng tài sản đảm bảo là bất động sản... Thực tế, một số nhà đầu tư khi mua lại tài sản đảm bảo nợ xấu không thể làm thủ tục sang tên do có sự tranh chấp.
Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, khung pháp lý là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy thị trường mua bán nợ. Không chỉ OCB, mà nhiều ngân hàng khác cũng đang gặp khó khăn liên quan đến xử lý nợ xấu, lý do là từ khung pháp lý hiện hành.
“Khi Nghị quyết 42 mới ra đời, ý thức trả nợ của người vay rất tốt. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, thời gian gần đây, người vay lại có dấu hiệu rủ nhau chây ỳ. Nhiều con nợ cố tình cản trở ngân hàng thu hồi tài sản bằng cách liên tục đơn thư đi kiện. Nếu cơ quan chức năng nhận được đơn thư mà làm theo quy trình cũ thì sẽ rất khó ngăn chặn tâm lý: cứ gửi đơn kiện thì việc thu giữ tài sản hoặc đấu giá sẽ bị dừng lại.
- Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng MB