Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt
Vân Linh - 10/04/2024 08:18
Không chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn, các ngân hàng còn mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt, với tỷ lệ tương đối cao và dự kiến năm sau còn hơn năm nay. 

Cổ tức từ 20-39% bằng cổ phiếu và tiền mặt

Tại ĐHĐCĐ thường niên dự kiến diễn ra ngày 27/4 tới, HĐQT VietA Bank trình ĐHĐCĐ phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt năm nay.

Tại đại hội ngày 4/4 vừa qua, HĐQT ACB cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng. Theo đó, ACB chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HĐQT ACB cũng cho biết, tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

Với mức chia cổ tức 2023 ở mức trên, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024.

Còn tại ĐHĐCĐ VIB ngày 4/4 cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 29,791 tỷ đồng, tăng 17,44%. ĐHĐCĐ cũng đồng thuận với kế hoạch chi 29,5% cổ tức cho cổ đông, với mức tỷ lệ 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng.

VIB vừa công bố nghị quyết của HĐQT về thời gian thực hiện chốt danh sách cổ đông để chi trả 6,5% cổ tức bằng tiền mặt còn lại năm 2023 (mỗi cổ phần được nhận 650 đồng. Theo đó, ngày chốt quyền trả cổ tức tiền mặt đợt 2là 19/4/2023 và ngày thực hiện chi trả là 17/5/2024. Với hơn 2.536,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến VIB sẽ chi gần 1.649 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Trước đó, VIB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/1 để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 600 đồng và với hơn 2.536,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VIB đã chi tương ứng 1.522 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Có thể thấy, tỷ lệ chia cổ tức cao và cân bằng đã được VIB duy trì thành thông lệ qua nhiều năm, góp phần gia tăng sự tin tưởng và gắn bó của cổ đông dành cho Ngân hàng cũng như tạo nguồn lực để ngân hàng tiếp tục các kế hoạch tăng trưởng.

Trước đó, ngày 29/3, Nam A Bank (mã: NAB) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Đại hội đã nhận được sự đồng thuận cao, thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2024, mục tiêu lợi nhuận 4.000 tỷ đồng, chia cổ tức 25%, mở rộng mạng lưới, bầu bổ sung thành viên HĐQT…

Việc tăng vốn điều lệ năm 2024 nhằm thực hiện định hướng chiến lược phát triển Nam A Bank đến năm 2025, tầm nhìn 2030; nâng cao năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro. Trong đó, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (sau khi đã trích các quỹ) và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước.

HDBank trình Đại hội kế hoạch chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ 25% gồm 10% tiền mặt 15% cổ phiếu tại ĐHCĐ thường niên tổ chức vào ngày 26/4 tới. Đáng chú ý, ngân hàng dự kiến trả cổ tức năm 2024 lên đến 30%, bao gồm tiền mặt và cổ phiếu.

Như vậy, sau hơn 1 thập kỷ tăng trưởng cao và liên tục, HDBank luôn thực hiện truyền thống chi trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao. Theo đó, trong năm 2024 ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 4.569 tỷ đồng, từ 29.076 tỷ đồng lên 33.645 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, giúp nâng cao hơn nữa các chỉ tiêu sức khỏe tài chính, vốn đã ở mức cao trong ngành, là nền tảng chiến lược phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 15/4 tới, OCB dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%. Nguồn vốn sử dụng từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2023 theo BCTC hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán. Trong khi đó, MBB dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tổng tỷ lệ 20%. Trong đó, chia bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, tương đương 2,653 tỷ đồng và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, tương đương 7,959 tỷ đồng.

Mạnh tay phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn

Techcombank cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, dựa trên số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức. Đồng thời, Ngân hàng này dự kiến dành hơn 5.283 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến hết 2023 để chia cổ tức tiền mặt.

Nhưng đáng chú ý hơn, Techcombank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ từ mức 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới). Thời gian dự kiến hoàn thành tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trong năm 2024 hoặc đến khi Techcombank hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, đây là sự thay đổi lớn của Techcombank sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn và phát triển kinh doanh. Theo lãnh đạo Techcombank, việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách. Với những nền tảng hiện có, Ngân hàng có thể chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20% mỗi năm cũng như các tỷ lệ an toàn như chiến lược đề ra.

Nhưng không chỉ ở các ngân hàng tư nhân, theo tài liệu vừa công bố, VietinBank sẽ trình ĐHĐCĐ phương án phân phối gần 14.000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2023 để chia cổ tức. Ngoài ra, ngân hàng còn đang có các phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016 đang chờ triển khai.

Tại đại hội ngày 27/4 tới, HĐQT VietinBank tiếp tục trình tới các cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ. Mức chia cuối cùng sẽ cần sự phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Năm 2023, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của VietinBank đạt 19.457 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 13.927 tỷ đồng. Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đồn thời, Chủ tịch VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Thế nhưng, dù đã trình phương án và đề xuất khá lâu, song đến nay tiến trình thực hiện tăng vốn của Vietinbank vẫn diễn ra khá chậm. Năm 2023, VietinBank mới hoàn thành phát hành thêm 564 triệu cổ phiếu, tương đương 5.643 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng. Ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016. Nếu được chấp thuận và triển khai xong tất cả các kế hoạch nêu trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên 91.635 tỷ đồng.

Việc các ngân hàng mạnh tay chia cổ tức cùng với đó là ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong quý đầu năm nay được xem là tín dụng tích cực tác động lên cổ phiếu "vua" vốn dĩ được đánh giá cao so với các lĩnh vực khác trong bối cảnh thị trường hiện nay. 

Các chuyên gia Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, triển vọng của ngành ngân hàng khả quan trong 2024 dựa trên các luận điểm chính: Môi trường lãi suất thấp cùng triển vọng kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện và NIM (biên lãi ròng) bật tăng nhờ chi phí vốn được tái thiết lập, tăng cường xử lý nợ xấu trong 2023 tạo dư địa để ghi nhận lợi nhuận từ thu hồi nợ trong 2024, từ đó, giúp triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2024 khả quan hơn, được hỗ trợ bởi mức định giá vẫn trong vùng phù hợp để tích lũy.

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VPBank (VPS) cũng nhận định rằng, giai đoạn nửa đầu năm 2024, nhóm ngân hàng sẽ có nhiều động lực tăng trưởng khi mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy nhu cầu tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, các vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi dần, ngân hàng xử lý tài sản. Hiện, cổ phiếu nhóm ngân hàng được các chuyên gia VPS nhận định đang ở mức định giá hợp lý, P/B trung bình ngành điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm.

Tin liên quan
Tin khác