Theo quy định, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam phải duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 8% từ 1/1/2020 |
Chia cổ tức, thưởng cổ phiếu để tăng vốn
Mới đây, VIB đã công bố thông tin cập nhật về việc chi trả cổ tức và tăng vốn điều lệ. Cụ thể, VIB chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5,67% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 567 đồng) vào ngày 6/6. Ngày thực hiện chi trả cổ tức là ngày 8/7. Với hơn 759 triệu cổ phiếu cổ đang lưu hành, tổng số tiền VIB dự kiến chi ra để trả cổ tức là gần 431 tỷ đồng.
Ðồng thời, HÐQT VIB phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ 7.834 tỷ đồng lên 9.245 tỷ thông qua việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn phát hành bao gồm 1.100 tỷ đồng từ Quỹ Ðầu tư phát triển; 274 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận luỹ kế sau phân phối và hơn 36 tỷ đồng từ Quỹ Dự phòng bổ sung vốn điều lệ. Thời gian chốt danh sách và ngày thực hiện sẽ công bố sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận.
Trước đó, Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên năm 2019 của VIB đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên tối đa 10.909 tỷ đồng từ chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 18% (tương ứng 1.410 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm); chào bán riêng lẻ cổ phiếu mới cho nhà đầu tư tỷ lệ 18% (tương đương 1.664 tỷ đồng). Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB là gần 10%.
Ngoài VIB, nhiều ngân hàng khác như ACB, Nam A Bank, OCB... cũng cho biết sẽ sớm chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn trong năm nay. Ðơn cử, tại ACB, năm 2019, ngân hàng này có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng phát hành hơn 374 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2018 (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), tỷ lệ thực hiện quyền là 30%.
Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 12.886 tỷ đồng lên 16,627 tỷ đồng. Trong kế hoạch phân phối lợi nhuận 2018, ngoài khoản 40% cổ tức bằng tiền mặt, ACB còn dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%, tương đương hơn 3.741 tỷ đồng. Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của ACB sau trích lập dự phòng đạt 6.389 tỷ đồng, tăng 141% so với 2017 và vượt 12% kế hoạch cả năm.
Với Nam A Bank, nhờ kết quả kinh doanh 2018 khả quan với 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhà băng này dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 16% bằng tiền mặt, qua đó hiện thực hóa kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Không dễ thực hiện
Sở dĩ các ngân hàng mạnh tay chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng năm nay là nhằm tăng vốn điều lệ, đáp ứng Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Theo quy định của thông tư này, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ phải thường xuyên duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 8% - con số tiệm cận với tiêu chuẩn Basel II, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Thời hạn áp dụng ngày càng gần, nhưng đến nay, trong số 10 ngân hàng thí điểm Basel II, mới có 5 ngân hàng chính thức áp dụng là Vietcombank, VIB, ACB, MB và VPBank. Bên ngoài danh sách này cũng chỉ có thêm 2 ngân hàng là OCB, TPBank hoàn thành. Mặc dù đã áp chuẩn Basel II, song các ngân hàng này vẫn đang đứng trước áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR.
Với các ngân hàng khác, tăng vốn để nâng CAR, đáp ứng Basel II càng cần thiết hơn. Thế nhưng, không phải nhà băng nào cũng có đủ khả năng thực hiện, nhất là những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Tại kỳ ÐHCÐ thường niên 2019 vừa qua, cổ đông Sacombank tỏ ra bức xúc khi nhiều năm không được nhận cổ tức. Chia sẻ với cổ đông vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HÐQT Sacombank cho hay, bản thân là cổ đông lớn của Ngân hàng nên ông cũng rất mong có cổ tức. Tuy nhiên, do Sacombank đang trong quá trình tái cơ cấu, nên mọi nguồn lực được dành để trích lập dự phòng rủi ro nên chưa thể chia cổ tức để tăng vốn.
Không chỉ Sacombank, hàng loạt ngân hàng khác cũng không chia cổ tức như SCB, Techcombank, TPBanh, Kienlongbank, VPBank, SHB, Maritime Bank. Theo kế hoạch được thông qua tại các phiên họp ÐHCÐ 2019, chỉ 4 ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt là MBBank (tỷ lệ 6%), Vietcombank (8%), BIDV (không thấp hơn 7%) và VIB (5,67%).