Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng nào sẽ được nới room tín dụng?
T.V - 19/05/2022 10:58
Tín dụng tăng mạnh 4 tháng đầu năm 2022 nên nhiều ngân hàng đã chạm trần hạn mức (room) tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hồi đầu năm và đang trình xin nới thêm room.

Nhà băng tiếp nhận bắt buộc một tổ chức tín dụng được nới room?

Thực tế cho thấy, tín dụng tính tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm nay khi NHNN cho biết, đến ngày 25/4 tăng tới 6,75% so với cuối năm 2021 (tương đương với mức tăng 16,4% so với cùng kỳ). 

Vì thế, mới đến hết quý I/2022, nhưng nhiều nhà băng đã sớm chạm trần tín dụng được NHNN cấp hồi đầu năm nay và đang trình xin được nới thêm room. 

Trong đó, với các ngân hàng sẽ tiếp nhận bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) khác được cho là có khả năng được cấp thêm hạn mức tín dụng cao, với mức room tín dụng ước tính khoảng 30-35%.

Chẳng hạn các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, Ngân hàng Quân Đội (MB) có thể sẽ được nới 'room' tín dụng lên 30-35% nhờ tiếp nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. 

Mặc dù tên tổ chức tín dụng này không được MB nêu cụ thể, song nhiều thông tin rò rỉ trước đó cho thấy, tổ chức tín dụng này là OceanBank.

Với việc tiếp nhận bắt buộc tổ chức tín dụng, nhiều khả năng MB sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao với mức room tín dụng ước tính khoảng 30-35%.

Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho MB bứt tốc trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao khi nền kinh tế thoát khỏi tác động của đại dịch COVID-19.

BVSC cho rằng, với các lợi thế như làm chủ công nghệ từ mạng lõi ngân hàng cho đến ứng dụng, hệ thống sản phẩm cũng như quản trị nhân sự, quản trị rủi ro,... nhiều khả năng MB sẽ tái cơ cấu thành công tổ chức tín dụng tiếp nhận bắt buộc.

Về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MB cho hay, MB là một  trong 7 ngân hàng được NHNN mời nhận chuyển giao bắt buộc và phương án của MB được chọn. 

Những năm qua, MB tăng trưởng 20-25% và vẫn kiểm soát an toàn, việc nhận chuyển giao bắt buộc là để mở rộng không gian tăng trưởng cho MB, ngân hàng hoàn toàn tự nguyện, không bị bắt buộc

Theo thông tin tại đại hội đồng cổ đông năm 2022, Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng ngoài là nhiệm vụ chính trị thì cũng là mong muốn của MB.

Một số lợi ích MB sẽ nhận được khi tham gia tái cơ cấu có thể nhắc đến như cơ hội tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5-2 lần trong thời gian khoảng 5 năm; Gia tăng vốn hóa thị trường nhờ tăng trưởng nhanh hơn...

Nhưng cái được trước mắt, theo BVSC, với việc MB tham gia hỗ trợ khách hàng trong đại dịch cũng như việc tiếp nhận bắt buộc TCTD thì nhiều khả năng MB sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao với mức room tín dụng ước tính khoảng 30-35%.

Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho MB bứt tốc trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao khi nền kinh tế thoát khỏi tác động của đại dịch COVID-19. 

Không chỉ MB, Chứng khoán SSI cho rằng, Vietcombank (VCB) cũng có thể sẽ có một số lợi thế so với các ngân hàng khác trong việc được nới thêm room tín dụng. Vì ngân hàng này cũng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD bắt buộc.

Hiện nay, có một số tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại đang thuộc dạng yếu kém được NHNN giám sát và phải tái cơ cấu bắt buộc. Trong đó, có 3 NHTM được nhà nước mua lại với giá 0 đồng và giao cho các NHTM quốc doanh lớn hỗ trợ hoạt động là: OceanBank, Gpbank và CBBank.

Trong số đó, CBBank – Ngân hàng TNHH 1 thành viên Xây dựng tiền thân là Ngân hàng TMCP Xây dựng được mua lại 0 đồng và giao cho VCB hỗ trợ quản lý điều hành trong gần 8 năm qua.

VPBank và HDBank cũng có tờ trình ủy quyền cho HĐQT xem xét tham gia chương trình tái cơ cấu NHTM theo chủ trương của NHNN. Tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.

Khi dư nợ tăng cao, ngân hàng cạn quota tín dụng

Năm 2022, MB phấn đấu tăng trưởng tín dụng 16 -20% (tùy thuộc vào sự phân bổ của NHNN) và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao. Năm ngoái, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng này cũng đạt 25%. 

Trong quý I/2022, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của MB đạt 14,8%. Đây cũng là mức cao xấp xỉ ba lần so với mức tăng trưởng ngành là 5% và là mức tăng trưởng mạnh nhất trên toàn hệ thống.

Tăng trưởng tín dụng diễn ra mạnh ở cả trái phiếu doanh nghiệp cũng như cho vay khách hàng với mức tăng trưởng lần lượt là 19,5% và 14,3%. MB đã gần chạm mức tín dụng tạm cấp trong quý I/2022 và đang chờ đợi phê duyệt hạn mức tín dụng mới.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 0,99%, giảm 0,3 điểm % so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức 250%, giảm nhẹ so với mức 267% cuối năm 2021. Với tỷ lệ bao phủ nợ xấu này, MB tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong các ngân hàng niêm yết.

Đến hết quý I/2022, tín dụng VCB tăng 7% (đến nay 29/4 đạt 8,8%) so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10% (còn hạn mức tín dụng dự kiến cả năm 2022 là 15% tùy thuộc NHNN).

Như vậy, chỉ riêng quý đầu năm nay, VCB đã sử dụng gần hết room tín dụng đã được cấp và đang chờ được NHNN nới thêm room.  

Trong khi đó, ACB đã nộp đơn xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay để có thêm dư địa cho vay.

ACB cho biết, đến cuối quý I/2022, tổng dư nợ cho vay của ACB đạt 380.000 tỷ đồng (tăng 5% so với đầu năm 2022) và 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt mức 8% so với đầu năm nay, với động lực chính đến từ cho vay ngắn hạn đối với những phân khúc khách hàng chiến lược (cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ). 

Về chất lượng tài sản, dư nợ nhóm 2 ( giảm 15% so với đầu năm) đi ngược với các ngân hàng khác (+20% so với đầu năm), cho thấy chất lượng tín dụng tổng thể của ACB vẫn duy trì tốt hơn các ngân hàng khác.

Tổng dư nợ chịu ảnh hưởng COVID-19 giảm còn 15.000 tỷ đồng (giảm 12% so với đầu năm, đã thu hồi được 1,2 nghìn tỷ đồng). Do dư nợ đã thu hồi được một phần, nên khoản trích lập dự phòng 338 tỷ đồng trước đó đã được hoàn nhập giúp chi phí dự phòng thuần trong kỳ ở mức 3 tỷ đồng.

Đến cuối quý I/2022, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt là 0,42% và 0,82%. Ngân hàng không công bố số dư nợ được cơ cấu trực tiếp. Tuy nhiên, do tổng dư nợ chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 giảm xuống, dư nợ tái cấu trúc trực tiếp sẽ giảm từ mức 0,3% tổng dư nợ ở thời điểm cuối năm 2021.

Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn khách hàng tăng đẩy tín dụng đi lên trong những tháng đầu năm 2022. Vấn đề còn lại là hạn mức tín dụng của các ngân hàng được cấp bao nhiêu trong năm nay.

Nhưng khác với những năm trước, năm 2022, NHNN không còn thông tin về hạn mức tín dụng được cấp cho các nhà băng mà chỉ cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành năm nay ở mức 14% có điều chỉnh linh hoạt. 

Trong khi đó, với kế hoạch tăng vốn điều lệ được trình tại hầu hết các ngân hàng, ngoại trừ Sacombank và Techcombank.

Việc tăng vốn điều lệ sẽ được hoàn thành thông qua việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (dao động từ 11,9%-50%) và kế hoạch phát hành cổ phiếu mới (BIDV, LienVietPostBank, VPBank, SHB và MB) cũng sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng cho vay.

Ngoài ra, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 ở hầu hết các ngân hàng khá khả quan, trung bình tăng 25-30% so với cùng kỳ, bất chấp xu hướng tăng của lãi suất huy động và việc siết trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản của Chính phủ nên kỳ vọng nhiều vào tăng trưởng tín dụng.

Tin liên quan
Tin khác