| ||
Nhiều ngân hàng hiện không còn cộng thêm lãi suất cho người gửi tiền, do nguồn vốn huy động dôi dư (Ảnh minh họa) |
Nếu như trước đây có 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm, khách hàng có quyền đòi hỏi mức lãi suất cao hơn trần quy định, thậm chí, có ngân hàng trả mức lãi suất vượt trần đến 3 - 4%/năm, nhưng kể từ cuối quý I/2013 đến nay, tình trạng trên đã giảm bớt.
Rất ít ngân hàng chấp nhận trả lãi suất vượt xa mức trần, trừ một số ngân hàng quy mô nhỏ, cạnh tranh về thị phần thu hút tiết kiệm yếu, mới sử dụng giải pháp thỏa thuận lãi suất để dụ khách hàng gửi tiền.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng S., trước đây, khi khách hàng gửi 500 triệu đồng, sẽ được cộng thêm 2 - 3%/năm lãi suất ngoài mức trần quy định cho kỳ hạn 3 - 6 tháng. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, nhà băng trên không còn chính sách cộng thêm lãi suất, do nguồn vốn huy động dôi dư nhiều.
Nguồn vốn huy động toàn ngành ngân hàng 4 tháng đầu năm nay đạt 5,34% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp hơn 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011 cũng nói lên điều đó. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tốc độ tăng huy động vốn bằng VND cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ. Điều này phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng lên. Do đó, dù lãi suất huy động đang trên đà được các nhà băng điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn tăng, bởi các kênh đầu tư khác đang trong tình trạng trầm lắng, gửi tiết kiệm lãi suất 7,5 - 9%/năm vẫn đảm bảo an toàn.
Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng 4 tháng đầu năm nay khá tốt. Tuy nhiên, đối với dư nợ tín dụng lại khá chậm. Tương tự, tại Sacombank, tăng trưởng huy động vốn trong 4 tháng qua đạt mức trên 10%, nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng hơn phân nửa.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, trước đây, các “ông lớn” như Vietcombank, VietinBank, BIDV hay ACB, Sacombank, Techcombank đều áp mức lãi suất huy động kịch trần cho kỳ hạn dưới 1 năm và tương đối cao ở kỳ hạn trên 1 năm, dao động trong khoảng 9 - 10%/năm đã tạo áp lực cạnh tranh lớn cho ngân hàng quy mô nhỏ. Nhưng trong thời gian gần đây, do nguồn vốn dôi dư, các nhà băng lớn đã từng bước điều chỉnh lãi suất huy động. Đặc biệt, với động thái hạ các mức lãi suất chủ chốt của NHNN vừa rồi, cũng tạo điều kiện tốt hơn cho nhà băng trong việc điều chỉnh lãi suất đầu vào. Khi ngân hàng lớn hạ lãi suất kỳ hạn ngắn về 6%/năm, thì ngân hàng nhỏ sẽ thôi không còn xé rào, để tiết kiệm chi phí đầu vào. Từ đó, các nhà băng mới có điều kiện hạ được lãi suất cho vay, kích thích tín dụng mới có thể kỳ vọng lợi nhuận.
Tuy trên thị trường hiện vẫn còn một số nhà băng nhỏ thực hiện trả thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 1 - 3 tháng, song theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, mức lãi suất thỏa thuận ngoài này đã giảm hẳn so với trước đây.
Đánh giá về mức trần lãi suất 7,5%/năm hiện nay, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, đó là mức phù hợp với tình hình lạm phát, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản… đang trầm lắng.
“Thanh khoản của ngân hàng hiện đã được cải thiện. Vì thế, còn dư địa để giảm thêm lãi suất huy động, nhất là khi lạm phát kỳ vọng năm nay dự báo được kiểm soát dưới 7%”, ông Sơn nhận định, nhưng cũng khuyến cáo, lãi suất huy động khó giảm sâu so với mức trần hiện nay và NHNN sẽ thận trọng trong mỗi lần điều chỉnh tiếp theo.
Vân Linh