Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng ngoại: Chuyển hướng đổ bộ vào Việt Nam
Hà Tâm - 03/09/2015 14:21
Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… hiện là những nước và vùng lãnh thổ có ngân hàng hiện diện tại Việt Nam nhiều nhất. Tuy nhiên, thứ hạng sẽ thay đổi khi các nước trong khu vực ASEAN đang đổ bộ mạnh vào Việt Nam.

Sự bừng tỉnh của ngân hàng khu vực

Theo thống kê sơ bộ của Báo Đầu tư, Đài Loan và Hàn Quốc hiện là những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng chi nhánh ngân hàng và văn phòng đại diện ngân hàng ở Việt Nam nhiều nhất. Trong đó, Đài Loan có 9 chi nhánh ngân hàng và 9 văn phòng đại diện, Hàn Quốc có 9 chi nhánh ngân hàng và 8 văn phòng đại diện.

Những nước khác có số lượng lớn chi nhánh và văn phòng đại diện ngân hàng tại Việt Nam là Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức… Trong khi đó, số lượng ngân hàng trong khu vực ASEAN tại Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… hiện là những nước và vùng lãnh thổ có ngân hàng hiện diện tại Việt Nam nhiều nhất. 

 

Thế nhưng, xu hướng này đang dần thay đổi. Gần đây, số lượng ngân hàng từ Malaysia, Thái Lan, Singapore… đổ bổ vào Việt Nam ngày càng nhiều và dự kiến “bùng nổ” trong vài năm tới.

Một trong những quốc gia có hệ thống ngân hàng “năng nổ” tấn công thị trường Việt Nam nhất là Thái Lan. Theo lãnh đạo Siam Commercial Bank (SCB), ngân hàng này đang đợi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức phê duyệt đề nghị đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam.

Ông Arthid Nanthawithaya, Giám đốc điều hành SCB dự kiến, chi nhánh của SCB với vốn đăng ký 75 triệu USD sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm 2015.

Đầu năm nay, một ngân hàng khác của Thái Lan là Kasikorn Bank cũng rầm rộ khai trương 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.HCM.

Ông Preedee Dawchai, Tổng giám đốc Kasikorn Bank cho hay, mục đích hiện diện tại Việt Nam là để tăng cường sự linh hoạt trong quản lý kinh doanh của khách hàng khi có nhu cầu mở rộng thị trường sang Việt Nam.

Ngoài Thái Lan, các ngân hàng Malaysia và Singapore cũng đang nỗ lực đặt chân vào Việt Nam. Gần đây nhất, tháng 3/2015, NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép ngân hàng Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia được thành lập nhà băng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Trước đó, Maybank (Malaysia) cũng đã lập 2 chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM.

Ngân hàng Singapore tuy mới có vài chi nhánh và văn phòng đại diện ngân hàng tại Việt Nam, song cũng đang nỗ lực để đưa Ngân hàng UBO thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Điểm chung của hầu hết các ngân hàng trong khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam là đã có kinh nghiệm hoạt động lâu năm ở nước ngoài và đều muốn đẩy mạnh doanh thu ở thị trường khu vực những năm tới, nhất là ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Và trước khi chính thức thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng này đều có những bước đi rất bài bản ở Việt Nam, như lập liên doanh, trở thành cổ đông chiến lược...

Sức ép đến từ AEC

Việt Nam vẫn đang mở cửa một cách hạn chế đối với lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, việc mở cửa sâu rộng hơn nữa đối với lĩnh vực này là khó tránh khỏi. Khi đó, số lượng ngân hàng nước ngoài, nhất là ngân hàng trong khu vực ASEAN, sẽ tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng, các nhà băng ngoại đang rất khát khao thị trường Việt Nam và họ đang chờ đợi thời cơ để có được “tấm vé” chính thức.

Theo các chuyên gia ngân hàng, nếu không muốn thị phần rơi vào tay khối ngoại, các ngân hàng phải nhanh chóng khắc phục điểm yếu lớn nhất của mình là quy mô quá nhỏ bằng cách mua bán - sáp nhập (M&A).

Mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu hình thành ít nhất 1 - 2 ngân hàng có quy mô và trình độ tương đương khu vực vào cuối năm 2015.

VietinBank và Vietcombank đang được nhắm tới cho vị trí này. Song cũng phải thừa nhận rằng, so với các ngân hàng trong khu vực, quy mô của VietinBank và Vietcombank còn nhỏ. Chưa kể, kinh nghiệm và mạng lưới hoạt động ở nước ngoài của hai “ông lớn” này cũng còn khá khiêm tốn.

Theo cam kết hội nhập ASEAN, cuối năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, lĩnh vực dịch vụ (trong đó có dịch vụ tài chính, ngân hàng) phải mở cửa tối thiểu 70% và năm 2020 là mở cửa 100%. Ngoài ra, theo cam kết WTO, đến năm 2020 thị trường ngân hàng cũng phải mở rộng không giới hạn cho các nhà băng ngoại. Như vậy, không chỉ ngân hàng từ ASEAN, mà từ nhiều quốc gia khác cũng sẽ có cơ hội xâm nhập thị trường Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác