Bí ẩn lợi nhuận ngân hàng ngoại
Đến thời điểm này, Việt Nam có 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài (HSBC Vietnam, Standard Chartered Vietnam, Shinhan Vietnam, ANZ Vietnam, Hong Leong), 4 ngân hàng liên doanh, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 49 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, còn có 2 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, gồm Home Credit và Prudential.
Tuy nhiên, hoạt động của khối ngân hàng này vẫn trong vòng bí mật. Con số hiếm hoi mà các ngân hàng này công bố, lần gần đây nhất cũng đã cách đây 2- 4 năm.
Cụ thể, cho đến nay, sau hơn 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Standard Chartered Vietnam mới duy nhất một lần công bố tổng doanh thu và lợi nhuận của năm 2010 với mức lợi nhuận trước thuế 4,2 triệu USD. Con số lợi nhuận mà HSBC Vietnam công bố lần gần đây nhất cũng là kết quả kinh doanh của năm 2012, với mức lãi gần 1.900 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, Giám đốc phụ trách kinh doanh vốn và ngoại hối của một ngân hàng TMCP trong nước nhận định: “Sở dĩ các ngân hàng ngoại, nhất là ngân hàng 100% vốn nước ngoài “ngại” công bố lợi nhuận là bởi lợi nhuận của họ rất khá, dù quy mô, vốn điều lệ và mạng lưới nhỏ hơn các ngân hàng nội nhiều”.
Cũng theo vị giám đốc này, lợi nhuận của khối ngân hàng nước ngoài chủ yếu đến từ kinh doanh ngoại tệ, trái phiếu, thu các loại phí… Cụ thể, lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ chiếm khoảng 30% trong tổng lợi nhuận của ngân hàng nước ngoài, các loại phí chiếm khoảng 20%, thu nhập từ tín dụng chỉ chiếm 20%, còn lại là thu nhập đến từ các lĩnh vực khác. Trong khi đó, tại các ngân hàng nội, tín dụng vẫn chiếm tới 70-80% thu nhập.
Nhiều chiêu kiếm lãi từ ngoại tệ
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2014 (VBF) mới đây, Nhóm Công tác ngân hàng đã đưa ra hàng loạt kiến nghị về việc nới kinh doanh ngoại tệ. Đại diện cho các ngân hàng nước ngoài, ông Dennis Hussey, Tổng giám đốc Ngân hàng CitiBank Vietnam đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng được thực hiện các hoạt động ngoại hối “cơ bản” ở cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước. Quan trọng hơn, không nên có các hạn chế đối với hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài dựa trên việc phân loại khách hàng.
Đề xuất nới kinh doanh ngoại tệ của khối ngân hàng ngoại không có gì đáng ngạc nhiên, bởi ngoại tệ được coi là “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng ngoại. Thực tế hiện nay cho thấy, các ngân hàng nước ngoài có nhiều đất kinh doanh ngoại hối hơn ngân hàng trong nước, dù hai khối có chung hành lang pháp lý.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối (VIB) phân tích, sở dĩ ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ là bởi 4 yếu tố: có nguồn vốn dồi dào, công nghệ tốt và kinh nghiệm lâu đời, có mạng lưới toàn cầu và có đội ngũ cán bộ giỏi do trả lương cao.
“Các ngân hàng nước ngoài có đội ngũ chuyên gia ở khắp nơi trên thế giới, am hiểu về từng đồng tiền, mức độ chuyên môn hóa cao nên có khả năng kinh doanh ngoại tệ rất tốt. Trong khi đó, các ngân hàng trong nước lại thiếu thông tin, đi sau về công nghệ… nên thua không có gì khó hiểu”, ông Trung nói.
Được biết, trong khi các ngân hàng trong nước chỉ kinh doanh ngoại tệ ở một số nghiệp vụ cơ bản, thì các ngân hàng nước ngoài rất linh hoạt và có nhiều sản phẩm mới lạ như tiền gửi cấu trúc, đầu tư cấu trúc, FX Plus…
Ngoài ra, theo các chuyên gia, do không bị kiểm soát chặt như các ngân hàng nội, nên ngân hàng ngoại có thể mua bán ngoại tệ lòng vòng để kiếm lãi nhờ chênh lệch tỷ giá. Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài cũng rất dễ móc nối với các tập đoàn đa quốc gia có công ty con tại Việt Nam để lách một số quy định về kinh doanh ngoại hối.
Liên quan đến sự phàn nàn của các ngân hàng nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối, ông Lê Quang Trung cho rằng, độ mở về kinh doanh ngoại tệ cho các ngân hàng tại Việt Nam khá thoáng so với các nước.
Hà Tâm