Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trước đó, cử tri một loạt địa phương cũng có văn bản chất vấn NHNN về điều hành, quản lý thị trường vàng.
Theo NHNN, ngày 20/3/2024, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình số 28 về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Trong đó, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị.
Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật;
NHNN cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi... gây mất ổn định thị trường vàng.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổ chức đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng theo Quyết định 324 ngày 17/5/2024. Đến nay, việc thanh tra trực tiếp đã kết thúc và đang trong quá trình dự thảo báo cáo kết luận.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường. Phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an và chính quyền các địa phương, để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.
Theo đánh giá của NHNN, với những giải pháp đồng bộ nói trên và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát, duy trì với biên độ phù hợp (hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 - 7%.
“Thị trường vàng đã ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô”, NHNN đánh giá.
Mặc dù thị trường vàng đang diễn biến tích cực cho điều hành tỷ giá và các yếu tố vĩ mô, song với người dân, việc mua bán vàng đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện giá vàng miếng SJC đã chạm mốc 89 triệu đồng/lượng cùng với đà tăng của giá vàng thế giới. Năm nay, vàng là một trong các kênh đầu tư hấp dẫn nhất, song nhiều người đã phải ngậm ngùi bỏ lỡ kênh đầu tư này vì không có vàng để mua.
Thanh khoản thị trường vàng giảm đột ngột suốt 4 tháng qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai bán vàng miếng qua nhóm ngân hàng Big 4 và Công ty SJC. Đồng thời, các cơ quan quản lý tiến hành một loạt giải pháp đồng bộ để siết chặt quản lý thị trường này.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, các giải pháp quản lý thị trường vàng mà NHNN và các bộ, ngành thực hiện thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả tích cực, song thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chưa thông suốt. Vì vậy, vẫn cần các giải pháp dài hơi cho thị trường vàng.