Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng Nhà nước “gật đầu”, VPBank sắp hoàn tất thủ tục chia cổ tức 80%
T.L - 19/09/2021 11:09
NHNN đã chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) tăng vốn điều lệ 80% lên hơn 45.000 tỷ đồng, đưa VPBank trở thành ngân hàng á quân về vốn điều lệ, chỉ sau VietinBank.
VPBank sắp trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 2 toàn hệ thống

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ của VPBank thêm tối đa 19.757.987.000.000 đồng (tức tăng 80% so với vốn điều lệ hiện tại).

Việc tăng vốn dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển và đuỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông VPBank thông qua.

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, VPBank có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo đúng các quy định của pháp luật.

Như vậy, chỉ còn cần sự chấp thuận của UBCK, VPBank sẽ hoàn tất mọi thủ tục tăng vốn điều lệ lên gần 45.058 tỷ đồng. Theo phương án được HĐQT thông qua, VPBank sẽ phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ phát hành 80% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt quyền.

 Trong đó, tỷ lệ phát hành cổ phiếu trả cổ tức là 62,15%, nghĩa là cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu phổ thông sẽ được nhận thêm 6.215 cổ phiếu mới, tương ứng với 1,23 tỷ cổ phiếu được phát hành để trả cổ tức.Tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng là 17,85%, tức cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1.785 cổ phiếu mới, tương đương với 747,84 triệu cổ phiếu thưởng.

Trước đó, trao đổi với nhà đầu tư, lãnh đạo VPBank cho hay, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt, VPBank sẽ công bố ngày chốt danh sách cổ đông, dự kiến sẽ trong tháng 9/2021. 

Theo dự kiến, trong tháng 9/2021, VPBank cũng sẽ ghi nhận khoản thu nhập bất thường gần 30.000 tỷ đồng từ thương vụ bán 49% vốn của FE Credit cho đối tác ngoại.

Theo lộ trình tăng vốn của VPBank, đến năm 2022, ngân hàng sẽ tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 25.300 tỷ đồng hiện nay lên 75.000 tỷ đồng từ 3 nguồn chính. Thứ nhất, thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ bán 49% tại FE Credit cho đối tác Nhật (SMBC). Thứ hai, phát hành gần 2 tỷ cổ phiếu giá trị gần 20.000 tỷ đồng từ nguồn cổ tức và thặng dư cổ phần (tương ứng tỷ lệ tổng cộng 80%). Thứ ba, phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài.  

Tin liên quan
Tin khác