Trong 4 phiên liên tiếp từ đầu tuần đến nay (từ 7/10 đến 10/10), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu mỗi phiên 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, song đều không có khối lượng trúng thầu. Khối lượng đáo hạn trong 4 phiên là 10.339 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 10.339 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở tính từ đầu tuần đến nay.
Trước đó, trong tuần qua (30/09 - 04/10), Ngân hàng Nhà nước cũng đã hút ròng 56.567,68 tỷ đồng trên kênh cầm cố.
Ngân hàng Nhà nước “ế” vốn trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn ổn định, tín dụng 9 tháng tăng trưởng vẫn chậm dù đã bứt tốc đáng kể trong tháng 9/2024.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cho biết thanh khoản quý III/2024 vẫn duy trì trạng thái “tốt”, tiếp tục cải thiện so với quý trước. Các tổ chức tín dụng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV. Tại thời điểm cuối quý III, có 72,8% tổ chức tín dụng nhận định tình hình thanh khoản chung ở trạng thái “tốt” (kỳ trước 72,5%), 25,4% tổ chức tín dụng nhận định thanh khoản “bình thường” (kỳ trước là 26,6%).
Hôm nay (10/10), lãi suất giao dịch liên ngân hàng tiếp tục sụt giảm. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn 3,31%, giảm 0,06% so với phiên giao dịch trước đó. So với tuần trước, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm gần 0,7%.
Trên thị trường dân cư (thị trường 1), đà tăng lãi suất huy động cũng đang chậm lại. Trong 10 ngày đầu tháng 10/2024, mới chỉ có 3 ngân hàng tăng lãi suất huy động (và một ngân hàng giảm lãi suất huy động). Trong khi đó, trong tháng 6/2024 có 23 ngân hàng tăng lãi suất huy động, tháng 7/2024 có 19 ngân hàng tăng lãi suất, tháng 8/2024 có 15 ngân hàng tăng lãi suất và tháng 9/2024 có 12 ngân hàng tăng lãi suất.