Ngân hàng Nhà nước đã hút tiền về thông qua thị trường mở và số dư thị trường mở đã tăng dần trong quý |
Trong quý II/2015, có 201.614 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành, tăng 14,4% so với quý trước. Trong khi đó, chỉ có 39.475 giao dịch kỳ hạn được thực hiện, giảm 76% so với quý I/2015. Nhìn chung, Ngân hàng Nhà nước đã hút tiền về thông qua thị trường mở và số dư thị trường mở của cả giao dịch reverse repo và tín phiếu tăng dần trong quý.
Tổng doanh số cho vay thông qua giao dịch kỳ hạn (reverse repo) và phát hành tín phiếu trên thị trường mở trong nửa đầu năm 2015 đạt 580.819 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh số cho vay thông qua giao dịch kỳ hạn đạt 202.983 tỷ đồng, chiếm 35% tổng khối lượng. Trong khi đó, khối lượng tín phiếu phát hành trong 6 tháng đầu năm đạt 377.836 tỷ đồng, chiếm 65% tổng khối lượng giao dịch.
Thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng là yếu tố chính của diễn biến thị trường mở trong quý II. Điều này khá tương đồng với thị trường liên ngân hàng.
Đầu tiên, vốn tự có của hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh. Tính đến cuối tháng 5/2015, vốn tự có toàn hệ thống tăng 8,04% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 2,3% của cùng kỳ năm trước. Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã giảm chi trả cổ tức và giữ lại phần lớn lợi nhuận cho kinh doanh.
Thứ hai, nhu cầu vay từ Ngân hàng Nhà nước cũng như vay liên ngân hàng giảm do khối lượng đầu tư trái phiếu chính phủ giảm. Trên thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước chỉ phát hành trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Do phần lớn nguồn vốn của các ngân hàng là ngắn hạn, nên nhu cầu đầu tư với các trái phiếu dài hạn không cao. Mặc khác, mức lợi suất phát hành vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
Thứ ba, Thông tư 36/2014/TT-NHNN cho phép tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn. Thông tư này cũng cho phép hệ số rủi ro trong việc tính vốn tự có đối với các khoản phải đòi cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán được điều chỉnh từ 250% xuống còn 150% (là mức thấp nhất theo thông lệ). Nhờ đó, so với trước đây, các ngân hàng có điều kiện tăng trưởng tín dụng nhiều hơn trên cùng một lượng vốn và cùng một cơ cấu vốn. Điều này khiến nhu cầu vay từ Ngân hàng Nhà nước cũng như vay liên ngân hàng giảm.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có thể đã mua vào một khối lượng ngoại tệ đáng kể trong quý vừa qua. Trong đó có 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ phát hành cho Ngân hàng
Vietcombank. Bên cạnh đó, trong quý II, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị 228 triệu USD và mua ròng trên thị trường trái phiếu với tổng giá trị là 63,5 triệu USD.
Cuối quý II/2015, lợi suất tín phiếu tăng nhẹ so với quý trước đó tại hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lợi suất tín phiếu 4 tuần đạt mức 3,9%/năm, tăng 40 điểm cơ bản so với mức lợi suất cuối tháng 3. Tương tự, lợi suất 8 tuần và 13 tuần cũng tăng 30 điểm cơ bản và 10 điểm cơ bản, lên mức lợi suất tương đương nhau là 4%/năm. Ngược lại, lợi suất tín phiếu 2 ngày giảm mạnh từ 5%/năm vào thời điểm phát hành lần đầu tiên xuống còn 3,52%/năm vào cuối quý II, giảm tới 148 điểm cơ bản. Lợi suất tín phiếu 26 tuần vẫn duy trì ở mức 4,3%/năm.
Trong hai tuần cuối của tháng 6/2015, Kho bạc Nhà nước đã chào thầu trở lại tín phiếu ngắn hạn 13 tuần và 26 tuần. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã dừng phát hành tín phiếu 13 tuần, đồng thời tăng lợi suất tín phiếu 8 tuần từ 3,7% lên tới 4%/năm, chỉ thấp hơn một chút so với lợi suất phát hành 4,08 - 4,1% của tín phiếu Kho bạc Nhà nước 13 tuần.