Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Các nhà đầu tư cũng cảm thấy hấp dẫn với mức lợi suất gia tăng đáng kể và chênh lệch lớn giữa lợi suất thị trường sơ cấp và thứ cấp. Lợi suất thị trường thứ cấp vào cuối quý II bật tăng trở lại sau khi giảm điểm trong quý I, vì tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, gia tăng lạm phát và việc tiền đồng mất giá so với USD. Trong nửa cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng và lạm phát được kỳ vọng sẽ tăng hơn nữa và có thể khiến lợi suất tiếp tục đi lên.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị giao dịch trái phiếu và tín phiếu thị trường sơ cấp thông qua giao dịch thông thường (outright) và giao dịch mua bán lại (repo) đạt 497.179 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị trung bình mỗi tháng vì vậy được ghi nhận ở mức 82.863 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ giá trị giao dịch trong quý II đã tăng lên, đạt 260.552 tỷ đồng, tăng 10,1% so với quý trước và tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giao dịch outright lấn át thị trường thứ cấp tại hầu hết các tuần. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị giao dịch outright gấp đôi giá trị repos. Giao dịch outright đạt 340.089 tỷ đồng, chiếm 68,4% tổng giá trị. Trong khi đó, giao dịch repo chiếm 31,6% tổng giá trị, đạt 157.090 tỷ đồng.
Tỷ trọng giá trị giao dịch thông thường xét theo từng kỳ hạn cho thấy trái phiếu ngắn hạn chiếm ưu thế trên thị trường. Trái phiếu với kỳ hạn ngắn thường có thanh khoản cao hơn và rủi ro thấp hơn các trái phiếu dài hạn, vì vậy đã hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, vì nguồn cung trái phiếu ngắn hạn trên thị trường thứ cấp bị ngừng lại do Thông tư 78/2014/QH13 chỉ cho phép phát hành trái phiếu từ 5 năm trở lên, các nhà đầu tư phải chuyển sang thị trường thứ cấp để mua trái phiếu ngắn hạn. Trái phiếu kỳ hạn 1 - 3 năm đóng góp 33,5% tổng giá trị giao dịch thông thường, trong khi kỳ hạn 3 - 5 năm chiếm 22,4%. Kỳ hạn dưới 1 năm cũng chiếm 17,85% tổng giá trị. Đối với trái phiếu dài hạn, kỳ hạn 5 - 7 năm và trên 7 năm chiếm lần lượt 17,2% và 8,99% tổng giá trị giao dịch.
Tính đến tháng 6/2015, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 606 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu thứ cấp thông qua các giao dịch thông thường và mua bán lại. Tuy nhiên, trong quý II, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đóng góp 9% tổng giá trị giao dịch, thấp hơn nhiều so với mức 17% của quý I/2015.
Theo Bloomberg, lợi suất trái phiếu trong quý 2/2015 tăng nhanh tại hầu hết các kỳ hạn sau khi sụt giảm trong quý I. Một trong những lý do chính là vì giá tiêu dùng CPI tăng lên trong quý II do tăng giá dầu và điện, đã khiến các nhà đầu tư mong muốn mức lợi suất trái phiếu cao hơn và nhu cầu mua trái phiếu thấp. Nhu cầu mua trái phiếu giảm khi các ngân hàng đang cố gắng đẩy mạnh các hoạt động tín dụng của mình, thể hiện qua mức tăng trưởng tín dụng rất cao trong quý II. Đồng thời, nguồn cung trái phiếu ngắn hạn khan hiếm gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ do phần lớn nguồn vốn của các ngân hàng vẫn là ngắn hạn. Hơn nữa, biến động tỷ giá giữa tiền đồng và USD trong tháng 4 và 5 cũng khiến các nhà đầu tư chuyển dịch vốn từ thị trường trái phiếu sang thị trường tiền tệ để đầu cơ tỷ giá. Nhu cầu trái phiếu giảm dẫn tới việc lợi suất tăng cao.
Lợi suất trung hạn (kỳ hạn 3 năm - 5 năm) tăng nhanh hơn so với các kỳ hạn ngắn hạn và dài hạn. So với ngày 31/3/2015, lợi suất trái phiếu vào cuối tháng 6 được ghi nhận như sau: 1 năm (5,10%, tăng 34 điểm cơ bản), 2 năm (5,53%, tăng 56 điểm cơ bản), 3 năm (5,90%, 79 điểm cơ bản), 5 năm (6,41%, tăng 95 điểm cơ bản), 7 năm (6,73%, tăng 58 điểm cơ bản), 10 năm (6,90%, tăng 39 điểm cơ bản) và 15 năm (7,70%, tăng 42 điểm cơ bản).