Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng Nhà nước “phản pháo” về vàng
Hà Tâm - 26/09/2013 10:13
Báo cáo về quản lý thị trường vàng vừa được công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, tình trạng vàng hóa trong hệ thống ngân hàng đã được loại bỏ. Tình trạng đầu cơ vàng cũng giảm hẳn. Chống vàng hóa không thể ngày một, ngày hai
Ủy ban Kinh tế: độc quyền nhập khẩu và cung ứng vàng gây lo ngại
về dự trữ ngoại hối

Ủy ban kinh tế: Quản lý vàng chưa đạt yêu cầu Quốc hội đề ra

Trong Bản tin kinh tế vĩ mô tháng 9 mới công bố, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, việc quản lý thị trường vàng thời gian qua chưa đạt được mục tiêu quan trọng do Quốc hội đặt ra là giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế.

Mặc dù NHNN liên tục cung cấp khối lượng vàng quy mô lớn thông qua các phiên đấu thầu nhưng chênh lệch giá vàng vẫn duy trì ở mức đáng kể.

Cơ quan này cũng cho rằng, việc NHNN tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng ngay cả khi thời hạn tất toán cho các ngân hàng thương mại kết thúc đặt ra những câu hỏi về nhu cầu thực sự đối với vàng cũng như khả năng duy trì nguồn cung của NHNN trong trung và dài hạn. Đồng thời, chêch lệch giá vàng cũng có thể kích hoạt nhập lậu vàng.

“Với nhu cầu vàng trên thị trường còn lớn như hiện nay, việc NHNN độc quyền nhập khẩu vàng và cung ứng cho thị trường gây ra mối quan ngại về việc dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng (do phải sử dụng để nhập khẩu vàng) cùng các hệ lụy”, báo cáo viết.

Ủy ban Kinh tế cũng quan ngại do về chính sách hành chính vẫn được áp dụng trong quản lý vàng, việc chưa tách bạch chính sách quản lý và trực tiếp kinh doanh vàng của NHNN…

NHNN: Vàng hóa đã hết, chênh lệch đã giảm

Không trả lời trực tiếp về các vấn đề mà báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu ra, song báo cáo vừa công bố hôm nay của NHNN cho thấy, chính sách quản lý thị trường vàng đang đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, để thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về bình ổn thị trường vàng, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ ”vàng hóa” trong nền kinh tế, NHNN đã kiên quyết thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng để giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, ngăn ngừa rủi ro cho các tổ chức tín dụng (TCTD).

Thứ nhất, NHNN đã yêu cầu các TCTD tất toán số dư huy động vốn bằng vàng, giảm dư nợ cho vay vàng. Đến nay, tất cả 18 TCTD đã hoàn thành việc tất toán số dư huy động vốn bằng vàng đến hạn phải chi trả theo quy định. Tổng dư nợ bằng vàng của toàn hệ thống đã giảm gần 70% và chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng dư nợ cho vay của hệ thống đối với nền kinh tế. Toàn bộ số dư giữ hộ vàng đã được hạch toán ngoại bảng, các TCTD không được sử dụng vàng giữ hộ dưới mọi hình thức.

Thứ hai, để can thiệp và bình ổn thị trường vàng, từ 28/3/2013 đến 25/9/2013, NHNN đã tổ chức 61 phiên đấu thầu bán vàng miếng, bán ra thị trường gần 60 tấn vàng miếng. Trong đó, có khoảng 30 tấn vàng đã được các TCTD sử dụng để tất toán số dư huy động vàng, số vàng bán ra thị trường chỉ khoảng 30 tấn.

Thứ ba, cùng với chống vàng hóa và đấu thầu để ổn định thị trường vàng, NHNN cũng giám sát chặt chẽ việc sử dụng vàng đấu thầu của các DN, TCTD. Đồng thời, yêu cầu các TCTD phải tuân thủ quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng báo cáo các giao dịch với khách hàng có giá trị lớn trên 300 triệu đồng theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo…

Như vậy, theo đánh giá của NHNN, đã có một số kết quả đạt được sau một thời gian thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý vàng miếng. Trong đó, việc chấm dứt huy động, cho vay vốn bằng vàng của các TCTD về cơ bản đã kết thúc và mang lại một số lợi ích quan trọng như: Loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng ra khỏi hoạt động của TCTD, chấm dứt tình trạng ”vàng hóa” chính thức trong hệ thống TCTD, giảm thiểu hoạt động đầu cơ quá mức vào vàng, chuyển quan hệ huy động, cho vay vàng sang quan hệ mua, bán vàng từ đó chuyển hoá nguồn lực bằng vàng sang VND để đưa vào sản xuất, kinh doanh hoặc tăng tiết kiệm thông qua tăng tiền gửi VND tại hệ thống các TCTD. Dĩ nhiên, NHNN mới chỉ chống được vàng hóa trong các TCTD, còn vàng hóa trong nền kinh tế thì vẫn còn (do thói quen tích trữ vàng của người dân).

Báo cáo vừa công bố của NHNN không đề cập tới một số vấn đề mà báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra như dự trữ ngoại tệ, chênh lệch giá vàng. Tuy nhiên, trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) khẳng định, nguồn ngoại tệ nhập khẩu vàng của NHNN được lấy từ dự trữ ngoại hối, NHNN không hề mua vét ngoại tệ trên thị trường để nhập khẩu vàng nên không gây tác động gì đến thị trường cả.

Về chênh lệch giá vàng, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, câu chuyện chênh lệch giá vàng 400.000 nghìn đồng chênh lệch là trong bối cảnh hoàn toàn khác, khi đó chưa có Nghị định 24, khi mà các máy dập vàng đều vô tư thoải mái. Còn bây giờ tình thế đã khác. Thống đốc đã tuyên bố NHNN bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá.

Thời gian qua, chênh lệch giá vàng trong nước cũng đã giảm từ 7 triệu đồng/lượng xuống chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/lượng là mức giảm đáng kể so với lúc NHNN chưa tham gia bình ổn. Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối cũng cho rằng, việc giảm quá sát chênh lệch giá vàng sẽ kích thích tâm lý nắm giữ, tiêu thụ vàng vàng, gây bất lợi cho nền kinh tế.

Trên thực tế, để chênh lệch giá vàng giảm, chỉ có hai cách: cho nhập khẩu tự do hoặc mở sàn vàng tự do. Cả hai cách này chúng ta đều chưa thực hiện được. Trong đó, Ấn Độ là một tấm gương tày liếp về nhập khẩu vàng tự do.

“Quốc hội quy định phải bám sát giá quốc tế. Trên thực tế, giá vàng về nguyên tắc là bám rồi, còn sát hay chưa thì còn tùy vào nhìn nhận của từng người. Từ đỉnh điểm đến mức thế này đã là thành bình thường rồi”, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối nhận định.

Tin liên quan
Tin khác