Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng nhỏ chạy đua phát hành cổ phiếu để tăng vốn
Vân Linh - 25/04/2017 09:25
Trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, nhiều ngân hàng nhỏ có kế hoạch trình cổ đông tỷ lệ chia cổ tức khá cao khoảng 10%, cho dù áp lực trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu đối với nhóm ngân hàng này là rất lớn.
Tăng vốn là nhu cầu bức thiết với các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc

Thực tế này cho thấy, để cải thiện năng lực tài chính trong bối cảnh khó huy động vốn trên thị trường, các ngân hàng nhỏ chỉ còn cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ…).

Trong kế hoạch hoạt động năm 2017, BacA Bank dự kiến phát hành 50 triệu cổ phần, tương ứng 500 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng. Trong đó, 40 triệu cổ phần được dùng để chia cổ tức 2016 (tương ứng tỷ lệ 8%), chào bán riêng lẻ 3,8 triệu cổ phần và phân phối lợi nhuận lũy kế 6,2 triệu cổ phần.

HĐQT BacA Bank cho biết, việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, cũng như khả năng cạnh tranh, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, với 500 tỷ đồng thu được, một phần được dùng để đầu tư nâng cấp hệ thống, phần còn lại tập trung vào việc cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao…

Tại OCB, nhằm đảm bảo hệ số CAR (hệ số an toàn vốn), tuân thủ tiêu chuẩn Basel II, cũng như thực hiện mở rộng mạng lưới, cải thiện hoạt động tín dụng… trong năm nay, Ngân hàng sẽ tiếp tục kế hoạch tăng vốn từ 4.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, điều mà OCB chưa thể thực hiện trong năm qua. Theo đó, OCB sẽ phát hành 5% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối (gần 195 tỷ đồng); phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc 805 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, OCB cũng sẽ chia cổ tức 2016 theo tỷ lệ 10%, trong đó 5% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Năm nay, khi điều kiện thị trường thuận lợi, OCB dự tính niêm yết cổ phiếu trên sàn chính thức, mà không qua UPCoM để nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu OCB.

Tương tự, do cũng chưa thực hiện được tăng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng trong năm 2016, nên tại ĐHCĐ diễn ra ngày 28/4 tới, VietA Bank sẽ tiếp tục trình cổ đông phương án tăng vốn này. Cụ thể, trong năm 2017, VietA Bank sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 10%, qua đó tăng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 3.850 tỷ đồng, đồng thời phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 9% để tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng (giá phát hành 10.000 đồng/CP). Kế hoạch này dự kiến thực hiện trong quý III-IV năm nay.

Trong một thông điệp mới đây, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, ông Nguyễn Quốc Toàn cho biết, Nam A Bank sẽ nỗ lực để hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ Ngân hàng lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay. Trước đó, vào năm 2015, Nam A Bank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ tăng lên 3.172 tỷ đồng từ việc chia cổ tức 2015. Như vậy, trong năm nay, Nam A Bank sẽ cần thêm 1.828 tỷ đồng vốn mới. Được biết, Nam A Bank đã công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên 2017, nhưng trong đó chưa đề cập đến phương án tăng vốn cụ thể.

Dù đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ cách đây 3 năm, nhưng đến nay, kế hoạch tăng vốn từ mức 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng của Saigonbank vẫn chưa thể thực hiện. Trong khi mới đây, cổ đông lớn Vietinbank đã giảm mạnh sở hữu từ 10,39% xuống còn 4,91% vốn.

Mặc dù chưa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2017 (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4 này), nhưng một lãnh đạo của Saigonbank cho biết, tăng vốn sẽ vẫn là một trong những vấn đề trọng tâm trong kỳ họp năm nay, nhất là khi áp lực cải thiện năng lực tài chính theo yêu cầu của cơ quan quản lý, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn Basel II đang ngày một lớn như hiện nay.

Thực tế cho thấy, nâng cao năng lực tài chính đang là yêu cầu bức thiết của mọi ngân hàng, chứ không riêng với những ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc... Chẳng hạn, HDBank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn từ 8.100 tỷ đồng lên 8.829 tỷ đồng trong năm nay; SCB dự kiến tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng, tức số vốn tăng thêm là 2.000 tỷ đồng. Trước đó, các ngân hàng  ACB, VPBank, LienVietPostBank…, đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2017, phần lớn trong đó đến từ nguồn cổ tức 2016.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, áp lực tăng sức cạnh tranh, cũng như đáp ứng các chuẩn mới theo quy định của Hiệp ước vốn Basel II buộc các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính, nên khó có thể chia tổ tức bằng tiền mặt trong năm nay, mà chủ yếu bằng cổ phiếu. Đặc biệt là những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, nếu không nâng cao được vốn điều lệ, sẽ khó tránh được làn sóng M&A.

Tin liên quan
Tin khác