Ngân hàng nhỏ không “dắt” được thị trường
Theo khảo sát của Báo Đầu tư, trong đợt tăng lãi suất vừa qua, đa phần các ngân hàng đều tăng lãi suất 0,2-0,4%/năm áp dụng với một số kỳ hạn, đặc biệt là kỳ hạn dài. Tuy nhiên, một số ngân hàng nhỏ điều chỉnh lãi suất với mức tăng cao gấp nhiều lần. Thậm chí, lãi suất kỳ hạn từ 24 tháng trở lên tại Ngân hàng TMCP Bản Việt còn tăng kỷ lục tới 1,4% (từ 7,2% lên 8,6%/năm), đây cũng là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay.
Ngoài Bản Việt, một số ngân hàng nhỏ đã dâng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng lên hơn 8%/năm. Ảnh: Dũng Minh |
Ngoài Bản Việt, một số ngân hàng nhỏ đã dâng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng lên hơn 8%/năm. Do mức điều chỉnh lãi suất khác nhau, nên chênh lệch mặt bằng lãi suất trên thị trường ngày càng doãng rộng, phân hóa rõ nét. Tại một số kỳ hạn, chênh lệch lãi suất giữa ngân hàng lớn và nhỏ lên tới 2%/năm.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng tăng lãi suất: ngân hàng cạnh tranh thị phần huy động, huy động vốn đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng, nhu cầu vốn cuối năm, áp lực đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% vào đầu năm tới …
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, một trong các lý do khiến lãi suất tăng là do thiếu thanh khoản cục bộ, một số ngân hàng yếu khan vốn đã dâng lãi suất cao, tác động đến mặt bằng chung của thị trường.
Trên thực tế, thanh khoản chung của hệ thống vẫn dư thừa. Song nguồn vốn dư thừa lại tập trung ở những ngân hàng lớn, vốn dễ thu hút tiền gửi của dân cư và có số dư tiền gửi kho bạc lớn. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ dù số lượng đông đảo, nhưng thị phần tiền gửi lại rất nhỏ bé và phải tìm cách để hút vốn tiền gửi của dân cư.
Dù việc một số ngân hàng nhỏ dâng cao lãi suất huy động đã tác động đến lãi suất của thị trường, song đáng mừng là, lãi suất thị trường đã không bị còn các ngân hàng này dẫn dắt như thời gian trước đây. Cụ thể, mức điều chỉnh lãi suất gần đây của các ngân hàng quốc doanh - chiếm hơn 60% tiền gửi toàn hệ thống - khá thấp, khiến mặt bằng lãi suất chung của hệ thống tăng không đáng kể.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc phân hóa lãi suất giữa ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn là phù hợp, nhằm tạo sức cạnh tranh cho ngân hàng nhỏ. Mặt khác, lãi suất cũng là công cụ để người gửi nhận diện ngân hàng yếu và ngân hàng khỏe, đồng thời xác định khẩu vị rủi ro của mình. Nếu muốn lãi suất cao, đương nhiên phải chấp nhận rủi ro cao và ngược lại.
Không để ngân hàng yếu “làm loạn”
Ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, hiện vẫn còn một số ngân hàng yếu kém, chênh lệch thu - chi âm, lợi nhuận giảm mạnh.
Thời gian qua, NHNN cũng phát hiện vi phạm của nhiều tổ chức tín dụng. Ngoài các vi phạm về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng…, NHNN còn phát hiện các vi phạm về lãi suất huy động. Một số tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất dưới hình thức thỏa thuận với khách hàng thông qua các công ty trung gian, hoặc chăm sóc khách hàng trái quy định.
Hai năm gần đây, việc xử lý các ngân hàng yếu kémchững lại để chờ hoàn thiện hành lang pháp lý và hoàn thiện phương án tái cơ cấu của từng ngân hàng. Dù một số ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi yếu kém, song NHNN đang kiểm soát để sự yếu kém không lan ra cả hệ thống.
Liên quan đến việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, NHNN cần tiếp tục nỗ lực thực hiện đề án tái cơ cấu đã đề ra, không để mất đà tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Bên cạnh xử lý ngân hàng yếu kém, cần tái cơ cấu cả các quỹ tín dụng nhân dân; rà soát lại các công ty tài chính…
Được biết, 3 ngân hàng Oceanbank, VNCB, GPBank đang được hướng tới chuyển giao cho các nhà đầu tư, có thể chuyển giao 100% vốn cho nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, DongABank cũng đang tích cực tái cơ cấu theo phương án được phê duyệt.