Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự hồi phục, trong khi các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam dần đi vào quỹ đạo ổn định, thì quá trình tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, giúp hệ thống ngân hàng của Việt Nam phát triển ổn định hơn. Chính vì lẽ đó, không ít ngân hàng trong nước tăng cường tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu mở rộng phát triển. Tuy nhiên, dù là ngân hàng trong nước hay nước ngoài, thì các ngân hàng đều phải chấp nhận một thực tế là, thời ‘ăn nên làm ra’ đã qua và ngành ngân hàng không còn là một ngành thời thượng tại thị trường Việt Nam, ít nhất trong giai đoạn này.
Chất lượng nhân sự càng cao thì lợi thế cạnh tranh của ngân hàng càng lớn. Ảnh: Đức Thanh |
Năm 2015, Talentnet ghi nhận nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc tuyển dụng, trong đó có nhiều ông lớn như
VietinBank, Vietcombank. Nếu như VietinBank đề ra mục tiêu tuyển hơn 1.100 nhân sự cho cả năm 2015, thì nhu cầu này của Vietcombank khiêm tốn hơn, ở mức 750 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, bản thân những người tìm việc cũng nhận thấy, bức tranh ngành ngân hàng chưa thực sự sáng sủa và sức hấp dẫn của ngành này không còn như xưa. Mức lương của ngành ngân hàng không hề thấp so với mặt bằng chung xã hội, nhưng đổi lại, áp lực công việc cũng như rủi ro của ngành này rất lớn.
Nếu như trước đây, làm việc trong ngân hàng là mục tiêu của nhiều bạn trẻ, thì nay, các vị trí tuyển dụng nhắm đến đối tượng sinh viên mới ra trường của các ngân hàng không còn độ hấp dẫn như trước. Trong khi đó, các vị trí yêu cầu ứng viên phải có 3 - 6 năm kinh nghiệm chỉ hấp dẫn ở một số vị trí nhất định.
Nhu cầu tuyển dụng ngành ngân hàng đang tăng cao trong năm 2015, nhưng nguồn cung nhân lực lại quá dồi dào do hệ quả từ việc ồ ạt đào tạo ngành này trong mấy năm qua. Vì lẽ đó, các ngân hàng hiện chỉ tuyển dụng những ứng viên giỏi và có năng lực thực sự. Điều này, trái ngược với thời điểm năm 2007, khi nguồn cung nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng phát triển quá nhanh. Khi đó, trước sức ép cạnh tranh, các ngân hàng phải chấp nhận tuyển dụng nóng cả những ứng viên chưa thật sự đủ kinh nghiệm cho vị trí tuyển dụng.
Trái với các ngân hàng trong nước, các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam lại có xu hướng ổn định nhân sự và hạn chế tuyển dụng thêm. Thông qua quá trình làm việc với khách hàng, Talentnet nhận thấy, dù một số vị trí trong ngân hàng nước ngoài được luân chuyển công tác, nhưng các ngân hàng này vẫn không tuyển người thay thế. Chỉ duy nhất một vị trí tuyển dụng ở các ngân hàng nước ngoài hiện nay là quản trị rủi ro và tuân thủ.
Ngoài lý do bối cảnh kinh tế không thuận lợi, trong một số trường hợp cụ thể, việc đầu tư chưa mang lại những lợi ích mong muốn, nên có lẽ các ngân hàng nước ngoài chưa coi thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm. Có một thực tế tồn tại trong nhiều năm qua ở các ngân hàng nước ngoài là rất ít nhân sự Việt Nam đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao. Xét về bản chất, điều này là do tư duy logic, tầm nhìn bao quá và kỹ năng phân tích tài chính của nhân sự Việt Nam vẫn chưa đủ kinh nghiệm cho các vị trí chủ chốt mang tính quyết định của ngân hàng.
Nhìn chung, với sự chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn của ngành ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng trong nước sẽ tuyển dụng nhiều hơn để bù đắp lại lượng nhân viên giảm đi trong các năm trước đó.
Talentnet dự đoán, trong thời gian tới đây, các ngân hàng này sẽ tiếp tục tuyển mạnh nhân sự cấp trung và thấp cho nhiều chi nhánh mới trên cả nước để phục vụ kế hoạch mở rộng và phát triển kinh doanh. Một vị trí được các ngân hàng trong nước đẩy mạnh tuyển dụng là quản trị rủi ro nhằm nâng cao khả năng quản trị, khắc phục những hạn chế về kiểm soát rủi ro tín dụng, rủi ro hệ thống.
Xét riêng trong nhóm ngành nghề về tài chính, bao gồm: ngân hàng, chứng khoán và quỹ đầu tư, độ hấp dẫn của ngành ngân hàng đang có xu hướng giảm đi. Song nhân sự làm trong ngân hàng thường xây dựng cho mình định hướng và mục tiêu phát triển dài hạn, nên nhân sự cấp trung và thấp ngành này ít biến động lớn.
Biến động mạnh trong ngành ngân hàng chỉ được thể hiện rõ ở phân khúc nhân sự cấp cao. Trong khi các ngân hàng nước ngoài không có nhu cầu tuyển những vị trí này, thì ngân hàng trong nước lại đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân sự cấp cao. Do số lượng nhân sự cấp cao còn rất hạn chế, các ngân hàng trong nước đang phải thu hút, “săn đuổi” nhân sự cấp cao từ chính các ngân hàng trong nước và cả ngân hàng nước ngoài. Với làn sóng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đang diễn ra sôi động, biến động về nhân sự cấp cao được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nhân sự của các ngân hàng tại Việt Nam chỉ thực sự đi vào ổn định khi quá trình tái cơ cấu ngân hàng được hoàn tất.