Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng rầm rộ lên kế hoạch tăng vốn
Vân Linh - 16/03/2024 08:21
Các nhà băng đua nhau lên kế hoạch trình cổ đông việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu mới và cổ phiếu thưởng, thu hút vốn ngoại…, nhằm nâng cao năng lực tài chính.

Tăng mạnh vốn

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2024. Nhiều ngân hàng hé lộ các nội dung sẽ trình cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Theo đó, việc chia cổ tức và mục tiêu lợi nhuận tiếp tục là chủ đề được các cổ đông quan tâm.

Được biết, Nam A Bank (mã NAB - sàn HOSE) sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông vào ngày 29/3, trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh 2024 và kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh. Về kế hoạch tăng vốn, Nam A Bank đặt mục tiêu tăng vốn lên trên 13.700 tỷ đồng trong năm nay và đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2024, Nam A Bank sẽ tăng thêm hơn 3.145 tỷ đồng, bao gồm tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận chưa phân phối) với hơn 2.645 tỷ đồng, tương ứng trên 264,5 triệu cổ phần; tăng vốn từ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) là 500 tỷ đồng, tương ứng phát hành 50 triệu cổ phần.

Trong khi đó, LPBank sẽ họp cổ đông vào ngày 27/4 tới. Sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ đồng trong năm 2023, nhà băng này tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2024, mức tăng chưa được hé lộ. Với vốn điều lệ đạt hơn 25.500 tỷ đồng, hiện LPBank là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 10 trong hệ thống.

Một ngân hàng khác cũng dự kiến trình phương án tăng vốn điều lệ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 là MB. Bên cạnh việc tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, Ngân hàng có thể tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Sau khi tăng vốn lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023, nhà băng này hiện có vốn điều lệ đứng thứ 5 trong hệ thống, gần bằng với VietinBank (53.700 tỷ đồng).

Theo kế hoạch năm nay, một số nhà băng như SHB, HBD, SeABank… sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng năng lực tài chính

Ngay cả nhà băng lớn cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Mới đây, Vietcombank cho biết, sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022. Trước đó, HĐQT đã phê duyệt phương án này với kế hoạch dùng 21.700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này cần được trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin ý kiến và nếu được chấp thuận thực hiện, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ nâng lên hơn 77.500 tỷ đồng.

Tương tự, VietinBank cũng có kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ. VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Theo thống kê, năm 2023 là một năm tăng vốn điều lệ kỷ lục của ngành ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (không kể các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh) là hơn 760.000 tỷ đồng, tăng hơn 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Trong số 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận có 20/27 ngân hàng đã tăng vốn. VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ tăng mạnh nhất trong năm 2023. Sau khi hoàn tất việc bán 15% vốn cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), VPBank có nguồn lực tài chính hết sức dồi dào. Theo đó, VPBank đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 67.400 tỷ đồng lên hơn 79.300 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống và bỏ khá xa các ngân hàng top 2, top 3.

Tin liên quan
Tin khác