Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng tăng trích dự phòng bao phủ nợ xấu
Vân Linh - 26/05/2021 09:27
Được giãn thời gian tái cơ cấu nợ đến hết 2021 và có thể trích lập dự phòng trong 3 năm với các khoản nợ xấu do Covid-19, song các nhà băng đã tăng dự phòng bao phủ nợ xấu.
Vietcombank ghi nhận nợ xấu tăng 47% trong quý I/2021, lên 7.697 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu lên 0,88%.

Nợ xấu phân hóa

Theo khảo sát, đến hết tháng 3/2021, nếu xét riêng về tỷ lệ nợ xấu, thì vị trí dẫn đầu thuộc về VPBank với mức 3,46%. Con số này bao gồm cả nợ xấu của FE Credit, vốn có tỷ lệ nợ xấu cao bởi đặc thù của công ty tài chính tiêu dùng. Nếu tính theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tỷ lệ nợ xấu của VPBank chỉ ở mức 2,17%.

BIDV tiếp tục giữ vị trí quán quân về nợ xấu, với 21.765 tỷ đồng tính đến hết tháng 3/2021, tăng 15,5% so với cuối năm trước và bỏ xa ngân hàng đứng kế sau là VPBank. Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng của nợ xấu quý I/2021, thì ACB, Vietcombank dẫn đầu trong số 17 ngân hàng báo quý I.

Cụ thể, nợ nhóm 3-5 của ACB tăng 61%, lên 2.954 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,59% lên 0,91%, cao nhất từ năm 2016. Vietcombank ghi nhận nợ xấu tăng 47% trong quý I/2021, lên 7.697 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu lên 0,88%. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng sẽ phân loại nợ xấu và trích lập với cả nợ tái cơ cấu.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nợ xấu cao trong quý I/2021, nhưng tỷ lệ nợ xấu của ACB và Vietcombank vẫn ở mức thấp dưới 1% (tương ứng là 0,91% và 0,88%).

Một số ngân hàng có nợ nhóm 3-5 tăng quanh mức 20% là MB (29%); Saigonbank (7%); SHB, VietBank, VIB (khoảng 5%); TPBank, BIDV, LienVietPostBank (2 - 4%)...

Tăng trích dự phòng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN, trong đó cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện trích lập dự phòng cho dư nợ cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm (để hỗ trợ khách hàng trong diện cho phép) trong thời gian 3 năm và hiệu lực từ ngày 17/5. Cân đối đơn giản, trong 3 năm đó, ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cho lượng dư nợ liên quan khoảng 30%/năm...

Tuy nhiên, số liệu thực tế  cho thấy, các ngân hàng đã chủ động chuẩn bị dự phòng để đảm bảo an toàn trong hoạt động. Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank sẽ là ngân hàng thương mại đầu tiên thực hiện trích lập dự phòng rủi ro xong toàn bộ theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Vietcombank đã tăng dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức cao. Chốt năm 2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại tại Vietcombank chỉ là 5.156 tỷ đồng, trong khi dư quỹ dự phòng rủi ro dư nợ cho vay nền kinh tế cùng thời điểm lên tới 19.242,7 tỷ đồng. 

Với ACB, dư nợ cho vay với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến hết tháng 3/2021 là 9.000 tỷ đồng trên 311.000 tỷ đồng tổng dư nợ. Theo lãnh đạo cấp cao của ACB, trong số 9.000 tỷ đồng trên, chỉ có 1.000 tỷ đồng dư nợ tái cơ cấu. ACB ước tính phải trích lập cho số này là 300 tỷ đồng và trích lập tiếp vào các quý sau.

Trong khi đó, đến cuối tháng 3/2021, Techcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 219,4%, còn tổng nợ xấu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cơ cấu lại chỉ khoảng 6.700 tỷ đồng.

BIDV là ngân hàng đẩy mạnh tăng dự phòng bao phủ nợ xấu nhất, khi nâng quy mô quỹ trích lập dự phòng gần 23%, lên 23.422 tỷ đồng đến hết quý I/2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu qua đó cũng cải thiện từ 89% lên gần 108%.

Chủ tịch Ngân hàng BIDV, ông Phan Đức Tú cho biết, trong suốt 4 năm qua, BIDV đặt mục tiêu làm sạch bảng cân đối tài sản và đạt hiệu quả trong dài hạn, nên trích lập khá nhiều dự phòng. Năm 2021, BIDV dự báo mức trích lập dự phòng tương đương năm 2020, khoảng 24.000 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác dù có nợ xấu tăng trưởng thấp, thậm chí giảm trong quý I/2021, như VietinBank, Techcombank hay SeABank, nhưng vẫn chủ động củng cố quỹ dự phòng rủi ro. Điều này giúp họ có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những rủi ro có thể phát sinh đến từ những khoản nợ được tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ.

Tin liên quan
Tin khác