Nhiều doanh nghiệp lưu trú, vận tải đã sắp hết thời hạn cơ cấu lại, mà vẫn chưa tìm ra nguồn để trả nợ. |
Nhiều ngành chưa thể phục hồi, ngân hàng lo nợ xấu
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho hay, suốt cả năm nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Việc giãn thuế không có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp không có doanh thu, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng và các chi phí khác. Theo dự báo của Hiệp hội, khó khăn với doanh nghiệp ngành này sẽ còn kéo dài ít nhất hết năm nay.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp lưu trú, vận tải, năm 2020, một số doanh nghiệp được ngân hàng cơ cấu nợ, song thời hạn giãn nợ chỉ kéo dài 3-6 tháng. Nhiều doanh nghiệp đã sắp hết thời hạn cơ cấu lại, mà vẫn chưa tìm ra nguồn để trả nợ. Như tại VPBank, chỉ khoảng 10% khách hàng được cơ cấu nợ không thể trả nợ đúng quy định, chủ yếu khách hàng kinh doanh trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như vận tải, du lịch…
Trước phản ánh của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 17/5/2021, kéo dài một số mốc thời gian cơ cấu nợ so với Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, Thông tư 03/2021/TT-NHNN được xây dựng với định hướng tiếp tục tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua Covid-19, thông qua việc mở rộng phạm vi số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Mặc dù vậy, theo các doanh nghiệp du lịch, nhất là doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ cơ cấu nợ cho doanh nghiệp tối đa đến hết năm 2021, trong khi phải ít nhất đến hết năm 2022, thị trường du lịch quốc tế mới mở cửa trở lại. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp chưa thể có nguồn để trả nợ.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Trung Hà cũng cho rằng, Thông tư 03/2021/TT-NHNN áp dụng chung cho tất cả các ngành. Thực tế, hiện nay, doanh nghiệp nhiều ngành đã hồi phục và đã trả nợ ngân hàng đúng hạn. Tuy nhiên, riêng lĩnh vực lưu trú, vận tải… vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, NHNN mới có giải pháp cơ cấu nợ cho Vietnam Airlines, còn với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, đặc biệt là tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa… thì vẫn chưa có giải pháp.
"Trong khi các ngành khác đã có sự phục hồi, thì với lĩnh vực lưu trú, vận tải, khó khăn vẫn còn kéo dài. Thông tư 03/2021/TT-NHNN áp dụng cơ cấu nợ thêm 12 tháng kể từ ngày được cơ cấu nợ là vẫn rất khó khăn, nên kéo dài thêm thời hạn cơ cấu nợ với nhóm khách hàng này. Chúng tôi đang làm việc với các khách hàng khu vực này để tìm hướng giải quyết và đưa ra kiến nghị”, bà Hà cho hay.
Cân nhắc khoanh nợ, ngân hàng mới dám tiếp tục cho vay
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Thông tư 03/2021/TT-NHNN dù ban hành hơi chậm, song đã đáp ứng được kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, tháo gỡ sự lúng túng cho các tổ chức tín dụng trong việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng.
Tuy vậy, trước nguy cơ nợ cơ cấu trở thành nợ xấu là hiện hữu, ông Hùng cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng bằng cách cho phép khoanh nợ với thời hạn tối đa là 2 năm.
“Nếu được như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng và đảm bảo tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, ông Hùng đề nghị.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng cho hay, với các khoản nợ sắp hết thời hạn cơ cấu mà vẫn không thể trả nợ, ngân hàng sẽ không dám cho vay mới do lo ngại trách nhiệm, trừ phi được NHNN cho phép khoanh nợ.
Liên quan kiến nghị của các ngân hàng, ông Đoàn Thái Sơn, Phó thống đốc NHNN cho biết, quan điểm nhất quán của Chính phủ và NHNN là phải có cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời phải đảm bảo an toàn hệ thống. Đây cũng là lý do, NHNN ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Về kiến nghị kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho doanh nghiệp một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, như lưu trú, vận tải, ông Sơn cho hay, NHNN đã cân nhắc vấn đề này. Phó thống đốc cũng trấn an ngân hàng, doanh nghiệp rằng, không nên quá lo lắng, bởi căn cứ tình hình thực tế, nếu sau khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn khó khăn, NHNN có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Thông tư 01/2020/TT-NHNN ban hành khi chúng ta chưa lường hết được tác động của dịch bệnh, nên được thiết kế rất mở. Sau một năm, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào mới kết thúc. Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận của NHNN là vừa đảm bảo hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, người dân, vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống, vừa tránh trục lợi chính sách. Chính vì vậy, NHNN đưa ra thời hạn cơ cấu lại là không vượt quá 12 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Sau này, khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN hết hiệu lực mà thấy thực tế diễn biễn không phù hợp, chúng tôi sẽ lại tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi”.
- Ông Đoàn Thái Sơn, Phó thống đốc NHNN