Ngân hàng
Ngân hàng trốn bán nợ là chuyện bình thường
Thùy Liên - 20/09/2013 13:28
Trả lời Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nhiều ông chủ ngân hàng đồng thời cũng là chủ nợ nên việc ngần ngại bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại sẽ phải bán nợ đúng chuẩn cho VAMC.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính,
tiền tệ quốc gia

Thưa ông, VAMC đi vào hoạt động muộn hơn 2 tháng so với dự kiến. Ông có kỳ vọng VAMC sẽ xử lý hiệu quả nợ xấu?

So với trình tự ra đời của các định chế tài chính khác và sự lề mề thủ tục thường thấy ở Việt Nam thì VAMC ra đời và ban hành các văn bản pháp lý tương đối nhanh. Các văn bản liên quan đến hoạt động của VAMC dù phải chỉnh sửa lại khá nhiều nhưng lại ban hành rất nhanh để VAMC đi vào hoạt động. Hiện VAMC đang tiến hành mua những khoản nợ đầu tiên.

Tôi tin rằng, với những động thái tích cực này, một lượng lớn nợ xấu sẽ được VAMC xử lý.

Nhưng nhiều ý kiến dự báo rằng, các ngân hàng thương mại sẽ giấu nợ thay vì bán nợ cho VAMC. Tại sao lại như vậy, thưa ông?

Việc ngân hàng e ngại bán nợ cho VAMC là bình thường. Thứ nhất, vì các ngân hàng chưa hiểu lắm về VAMC.

Thứ hai, nhiều ngân hàng của Việt Nam, các ông chủ ngân hàng cũng đồng thời là chủ của các DN vay vốn ngân hàng. Nói cách khác, các ông chủ ngân hàng nhiều khi vừa là chủ nợ, song vừa là con nợ. Vì vậy, họ thích để nợ lại ngân hàng để xử lý hơn là mang sang VAMC để rồi bị VAMC “bán nghiến” trên thị trường. Tuy nhiên, kỷ luật mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra với mua bán nợ xấu rất nghiêm khắc, NHNN sẽ có những giải pháp chặt chẽ để buộc các ngân hàng thương mại phải bán nợ đúng chuẩn cho VAMC.

Việc NHNN bỏ yêu cầu nợ xấu phải có ít nhất 65% tài sản đảm bảo mới được bán cho VAMC nhằm dụng ý gì, thưa ông? Liệu đây có phải là sự nới lỏng điều kiện mua nợ?

Như trên đã nói, nhiều ông chủ ngân hàng đồng thời là con nợ và không muốn bán nợ cho VAMC. Chính vì vậy, các ngân hàng có thể vin vào việc khoản nợ không đủ điều kiện (không đủ 65% tài sản đảm bảo bằng bất động sản) để trốn tránh bán nợ cho VAMC. Mà nợ của các ông chủ ngân hàng thường không phải bằng bất động sản mà bằng chính dự án đó. Do vậy, việc bỏ điều kiện tài sản đảm bảo 65% bằng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước là quyết định khôn ngoan. Nói cách khác, đây là cách để NHNN “ép” ngân hàng thương mại bán nợ, không vin vào lý do nợ không đủ chuẩn.

Gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan tâm đến thị trường nợ xấu Việt Nam. Theo ông, mức độ quan tâm của họ đến đâu và họ quan tâm nợ xấu trong những lĩnh vực nào?

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến nợ xấu Việt Nam như Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia… Lĩnh vực họ quan tâm chủ yếu là bất động sản. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, đây là cơ hội trăm năm có một để họ được sở hữu bất động sản lâu dài ở Việt Nam với giá cả vừa phải. Bởi vì họ biết rằng, một khi thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi thì giá sẽ rất cao.

Dĩ nhiên, không phải loại bất động sản nào nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm. Họ chỉ chọn 3 loại: khách sạn, văn phòng và mặt bằng bán lẻ. Cụ thể, với khách sạn, họ chỉ chọn khu vực phố cổ. Với văn phòng, họ chỉ chọn những khu vực như Láng Hạ. Với bán lẻ, họ lựa chọn khu vực phụ cận một chút. Tóm lại, những loại bất động sản mà họ quan tâm đã được khoanh vùng rất rõ ở Hà Nội và TP.HCM. Do đó, nếu khoản nợ xấu bất động sản nào rơi vào vùng quan tâm này thì họ rất muốn mua. Ngược lại, bất động sản những khu vực khác, họ không quan tâm.

Lĩnh vực ngân hàng cũng thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại. Hiện nước ta đang hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng nội. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ này được nới lỏng, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực ngân hàng.

Tin liên quan
Tin khác