Biểu tượng đồng tiền chung euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Động thái trên đã nâng lãi suất cơ bản của Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) tăng từ 0,75% lên 1,5%, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2009. Trước đó, cơ quan này đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 7 và 75 điểm cơ bản vào tháng 9.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu nhấn mạnh rằng chu kỳ tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc.
"Với lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp này, Hội đồng thống đốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp chính sách tiền tệ. Hội đồng thống đốc đã đưa ra quyết định hôm nay và dự kiến sẽ tăng lãi suất cao hơn nữa, để đảm bảo lạm phát kịp thời giảm về mục tiêu trung hạn là 2%", Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết.
Một số nhà kinh tế đã dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiến hành một đợt tăng lãi suất khác trong tháng 12 tới. Thế nhưng, cơ quan này chưa hé lộ mức tăng lãi suất trong thời gian tới, mà lưu ý rằng chúng sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng cái gọi là quá trình "bình thường hóa" chính sách tiền tệ vẫn chưa kết thúc. "Chúng tôi vẫn chưa xong, còn nhiều căn cứ để giải quyết", bà Lagarde cho biết.
Động thái tăng lãi suất cơ bản lần thứ 3 liên tiếp diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu đang đối phó với lạm phát cao kỷ lục và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nhiều nhà kinh tế dự đoán khu vực này sẽ rơi vào suy thoái trước cuối năm nay. Ranh giới giữ cân bằng giữa một bên là lãi suất mạnh mẽ để đối phó với lạm phát và duy trì tăng trưởng là mong manh bởi nó có thể gây ra nhiều rắc rối hơn cho nền kinh tế này.
"Lạm phát vẫn ở mức quá cao và sẽ ở trên mục tiêu trung hạn (2%) trong một thời gian dài", Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết.
Trong tháng 9, lạm phát của Eurozone đã tăng lên mức 9,9%. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng thừa nhận rằng khả năng xảy ra suy thoái ở khu vực này đã tăng lên.
Khi được hỏi về tác động từ các quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu đối với tăng trưởng, bà Lagarde nói: "Chúng tôi phải làm những gì chúng tôi phải làm".
Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB cũng cho biết họ đang thay đổi các quy định và điều kiện của các hoạt động tái cấp vốn nhắm đến mục tiêu dài hạn (gọi tắt là TLTRO). Đây là công cụ cung cấp cho các ngân hàng ở châu Âu điều kiện vay hấp dẫn và được thiết kế để kích khích cho vay đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, do Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, các ngân hàng ở châu Âu đang hưởng lợi từ cả TLTRO và lãi suất cao. "Trong giai đoạn cấp bách của đại dịch, công cụ này (TLTRO - BTV) đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó các rủi ro đối với sự ổn định giá cả. Hiện nay, do lạm phát gia tăng bất ngờ và bất thường, công cụ đó cần được điều chỉnh lại", Ngân hàng Trung ương châu Âu nêu trong tuyên bố ngày 27/10.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết thêm rằng lãi suất áp dụng cho công cụ gọi tắt là TLTRO III, sẽ được điều chỉnh từ ngày 23/11 để phù hợp với lãi suất tiền gửi của cơ quan này. Ngoài ra, các ngân hàng ở châu Âu cũng sẽ được áp dụng ngày trả nợ trước hạn tự nguyện.
Để điều chỉnh mức dự trữ tối thiểu của các tổ chức tín dụng trong Hệ thống đồng tiền chung châu Âu (Eurosystem) cho sát tình hình, Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định điều chỉnh dự trữ tối thiểu theo lãi suất tiền gửi.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, nói với báo giới rằng ngày 23/11 sẽ cho phép các ngân hàng điều chỉnh theo các điều kiện mới.
Giới giao dịch tài chính đã đặt câu hỏi rằng liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu có công bố thông tin chi tiết về thời điểm bắt đầu thu hẹp bảng cân đối 8.800 tỷ EUR (tương đương 8.800 tỷ USD) hay không trong một quá trình thắt chặt định lượng.
Bà Lagarde nói rằng các điều kiện để thực hiện thu hẹp bảng cân đối kế toán sẽ được thảo luận vào tháng 12 tới, nhưng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết thêm rằng nhóm cộng sự của bà sẽ xem xét 3 yếu tố chính: triển vọng lạm phát, các biện pháp đã thực hiện và tác động của chính sách đến thực tiễn.
Đồng Euro suy yếu so với đồng đô la Mỹ sau động thái tăng lãi suất của Eurozone, còn lợi tức trái phiếu của các chính phủ châu Âu cũng sụt giảm.