Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ảnh: AFP |
Đáng nói, đây là lần đầu tiên sau gần 4 năm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo hãng tin Nikkei, cơ quan này sẽ đẩy mạnh chương trình mua tài sản; tăng cường mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu; đồng thời thúc đẩy chương trình hỗ trợ vay vốn giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề thanh khoản.
Cơ quan này cũng sẽ tăng gấp đôi hạn mức mua quỹ giao dịch trao đổi (ETF) lên 12.000 tỷ yên/năm (tương đương 112,46 tỷ USD) và mức tín thác đầu tư bất động sản lên 180 tỷ yên/năm. Ngoài ra, sẽ mạnh tay nới thêm 1.000 tỷ yên đối với mức trần 4.200 tỷ yên cho trái phiếu doanh nghiệp và 3.200 tỷ yên cho thương phiếu.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ kích hoạt chương trình hỗ trợ cho vay đối với các ngân hàng thương mại bằng việc cung cấp các khoản vay kỳ hạn 1 năm có thế chấp doanh nghiệp lên tới 8.000 tỷ yên. Tuy nhiên, phía Nhật Bản sẽ giữ nguyên các chính sách khác, với lãi suất ngắn hạn được giữ nguyên ở mức -0,1% và lãi suất dài hạn quanh mức 0%.
"Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi giá trị mua quỹ ETF so với trước đây miễn thấy cần thiết", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết.
"Chúng tôi tin rằng động thái trên sẽ giúp nguôi ngoai tâm lý thị trường do ảnh hưởng (dịch Covid-19). Đừng quá bi quan nếu các biện pháp trên chưa tạo ra làn sóng tăng điểm trên thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch hôm nay”, Thống đốc Kuroda nói thêm.
Đại diện Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho rằng cơ quan này đã làm đủ cách để làm dịu thị trường, đồng thời khẳng định sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung nếu áp lực lên nền kinh tế và lạm phát gia tăng.
Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trong phiên hôm nay 16/3 tăng vọt trong khoảng thời gian ngắn sau công bố chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nhưng vẫn đóng cửa giảm 2,46% so với phiên cuối tuần trước.
"Các biện pháp Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra đúng như kỳ vọng thị trường. Biện pháp có tác động mạnh nhất là tăng gấp đôi lượng mua tài sản, còn nhìn chung, các biện pháp khác được đưa ra chưa triệt để, chẳng hạn như giữ nguyên mức lãi suất”, Shuichi Ohsaki, chuyên gia phân tích lãi suất tại công ty chứng khoán Merrill Lynch Japan Securities bình luận.
Ông Ohsaki cho rằng: "Chính sách tiền tệ không phải là công cụ hiệu quả nhất để đối phó với tác động của dịch Covid-19 mà trọng tâm hỗ trợ nên được đẩy sang chính sách tài khóa".
Trong khi đó, Takeo Kamai, người phụ trách giao dịch cổ phiếu tại Tokyo của ngân hàng đầu tư CLSA đánh giá, các biện pháp chính sách mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không mới mà đã được "bàn nhiều" trước đó. Ông Kamai cho rằng, có lẽ động thái được kỳ vọng nhiều hơn là cắt giảm lãi suất để đồng yên mất giá, tuy nhiên cũng giống như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng có lý do không giảm lãi suất.
"Động thái hôm nay của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là nối gót động thái bất ngờ cắt giảm lãi suất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC)," ông Kamai nhận định. Điều này cho thấy các chính phủ (Mỹ, Nhật Bản) đang hợp tác với nhau để tạo hợp lực giải quyết vấn đề toàn cầu (dịch Covid-19) chứ không phải một quốc gia đơn lẻ.
Trước đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất cơ bản khẩn cấp từ biên độ 1-1,25% xuống còn 0-0,25%, đồng thời kích hoạt chương trình nới lỏng định lượng. Đầu tháng 3, Fed cũng đã bất ngờ cắt giảm 50 điểm cơ bản lãi suất.
Cũng trong hôm nay 16/3, Ngân hàng Trung ương New Zealand hạ 75 điểm cơ bản xuống mức thấp kỷ lục sau cuộc họp khẩn cấp. Các ngân hàng trung ương khác cũng đang rục rịch có động thái hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19. Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh, các quốc gia siết chặt kiểm soát biên giới, hoãn và hủy các tuyến bay, đóng cửa nhà hàng, quán bar và tăng cường giám sát dòng người.
Tuần trước, trong một động thái không được kỳ vọng, Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định mở rộng chương trình hỗ trợ cho vay đối với các ngân hàng thương mại, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền ở mức -0,5%.