Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda tham dự buổi họp báo sau cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 31/7/2024 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Chấm dứt một thập kỷ chính sách siêu kích thích
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tiến thêm một bước nữa đến việc chấm dứt một thập kỷ chính sách siêu kích thích bằng tuyên bố bất ngờ tăng lãi suất vào ngày 31/7 và một kế hoạch chi tiết để thu hẹp chương trình mua vào trái phiếu khổng lồ thời gian qua.
Tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày và kết thúc hôm nay 31/7, Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tăng lãi suất qua đêm từ 0-0,1% lên 0,25% trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 7-2.
Hơn ba phần tư các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến từ ngày 10-18/7 đã kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng này.
Trước đó, tại cuộc họp chính sách vào tháng 3/2024, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chính thức tuyên bố chấm dứt chính sách lãi suất âm, tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm với mức nâng lãi suất cơ bản từ -0,1% lên khoảng 0 - 0,1%.
Ngoài tăng lãi suất qua đêm, tại cuộc họp tháng này, cơ quan tiền tệ Nhật Bản cũng đã công bố kế hoạch thắt chặt định lượng nhằm giảm khoảng một nửa lượng trái phiếu mua hàng tháng xuống còn 3 nghìn tỷ yên (tương đương 19,6 tỷ đô la), từ mức 6 nghìn tỷ yên hiện tại, kể từ quý I/2026.
Việc Nhật Bản chuyển hướng sang chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trái ngược hoàn toàn với triển vọng hạ lãi suất của các nền kinh tế lớn khác. Đáng nói, quyết định bất ngờ được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra khi Fed ngày càng quyết tâm cắt giảm lãi suất, đảo ngược chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ đã đẩy đồng đô la Mỹ lên giá và gây ra đợt bán tháo đồng yên đau đớn cho Nhật Bản. Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở ngưỡng 5,25 - 5,5% trong cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 31/7 (giờ Mỹ), nhưng hé lộ việc cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9.
Bình luận về động thái lãi suất của Nhật Bản, ông Fred Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC, nói rằng: "Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng chậm chạp, các quan chức tiền tệ đã gửi một tín hiệu quyết định bằng cách tăng lãi suất và cho phép giảm bảng cân đối kế toán dần dần hơn".
"Kỳ vọng lạm phát tăng cũng mở đường cho việc bình thường hóa chính sách tiền tệ đang diễn ra của BOJ. Trừ khi có sự gián đoạn lớn, BOJ đang trên đà thắt chặt hơn nữa, với một đợt tăng lãi suất khác vào đầu năm tới", ông Neumann cho biết.
Đồng yên, cổ phiếu ngân hàng cùng tăng giá
Sau động thái của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đồng yên đã tăng tới 0,8%, lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng khi quy đổi mức 151,58 JPY "ăn" 1 USD. Trái lại, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã giảm nhẹ.
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng Nhật Bản hôm 31/7 đã dẫn đầu sóng tăng trong chỉ số Nikkei 225 bởi lãi suất cao hơn được dự đoánsẽ cải thiện biên độ cho vay và thúc đẩy thu nhập đầu tư cho các ngân hàng nước này.
Theo lý giải của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lý, việc tăng lãi suất dựa trên quan điểm cho rằng việc tăng lương đang thúc đẩy các công ty chuyển chi phí lao động cao hơn vào việc tăng giá dịch vụ.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết giá cả các mặt hàng nhập khẩu vào Nhật Bản một lần nữa đã tăng tốc mặc dù có một số điều chỉnh gần đây, đồng thời nhấn mạnh cần phải cảnh giác với rủi ro lạm phát vượt ngưỡng.
Với lãi suất thực tế ở mức thấp đáng kể, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết họ "sẽ tiếp tục tăng lãi suất và điều chỉnh mức độ nới lỏng tiền tệ" nếu nền kinh tế và giá cả diễn biến theo đúng dự báo mới nhất của mình.
Trong báo cáo triển vọng hàng quý được công bố cùng ngày 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản gần như duy trì mức dự báo đã đưa ra vào tháng 4 rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức khoảng 2% cho đến hết năm tài chính 2026.
Thống đốc Ueda cho biết Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tăng lãi suất thêm nữa nếu họ nhận thấy mức lương tăng sẽ hỗ trợ giá dịch vụ và duy trì lạm phát ở mức mục tiêu 2% một cách bền vững.
Ông Ueda cũng khẳng định Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đặt mục tiêu đưa lãi suất ngắn hạn lên mức không làm giảm cũng không kích thích tăng trưởng trong những năm tới nếu lạm phát được dự báo sẽ đạt mức 2% một cách bền vững như dự kiến. Mức lãi suất ngắn hạn đó được các nhà phân tích dự đoán sẽ nằm trong ngưỡng 0,5% và 1,5%.
Trong báo cáo hàng quý, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cảnh báo rằng lạm phát có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi biến động của đồng yên so với trước đây, vì nhiều công ty đã tăng giá bán và tiền lương.
Cơ quan tiền tệ Nhật Bản lưu ý rằng rủi ro đối với triển vọng giá cả đã bị lệch theo hướng tăng trong cả năm tài chính 2024 và 2025, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng cơ quan này ngày càng lo ngại áp lực lạm phát gia tăng.