Nhân viên ngân hàng đếm các tờ tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ ở thành phố Nam Thông, phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Đồng nhân dân tệ lao dốc trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về sức mạnh phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố vào cuối ngày 30/6 rằng họ sẽ áp dụng "các biện pháp toàn diện và ổn định kỳ vọng" về tiền tệ. Cũng trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý, cơ quan này khẳng định sẽ "kiên quyết ngăn chặn rủi ro biến động lớn".
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế trên phạm cách rộng rãi hơn, vì nhu cầu trong nước vẫn "chưa mạnh".
Động thái trên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được đưa ra sau thông tin được công bố sáng cùng ngày rằng hoạt động sản xuất của nước này đã bị thu hẹp lại trong tháng 6 còn các lĩnh vực khác cũng không tạo được động lực.
Sau tin tức trên, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua, so với đồng đô la Mỹ, đưa mức giảm của nó trong quý này lên hơn 5%, theo Bloomberg. Mức giảm này chỉ còn cách mức đáy trong 15 năm được thiết lập vào tháng 11 chưa đến 1%.
Ông Alan Ruskin, giám đốc chiến lược quốc tế tại Ngân hàng Deutsche Bank, đánh giá: "Các cam kết trên thể hiện một bước tiến về mặt hỗ trợ bằng lời của PBoC đối với tiền tệ và nền kinh tế nước này". "Thị trường hiện đang mong đợi các động thái đáng kể tiếp theo", ông Ruskin nói thêm.
Những điều đó có thể là thách thức, bởi một động thái hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng có thể đi ngược lại những nỗ lực thúc đẩy tỷ giá hối đoái, theo ông Ruskin. Nhà phân tích của Deutsche Bank cũng cho rằng việc kết hợp hỗ trợ tín dụng với các biện pháp tài khóa sẽ rất hữu ích.
Cũng sau tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đồng nhân dân tệ giao dịch hải ngoại đã "xóa lỗ" tới 0,2%.
Đà trượt giá của đồng nhân dân tệ vẫn tiếp diễn ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra hỗ trợ bằng cách liên tục thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày mạnh hơn so với ước tính.
Giới chức Trung Quốc đang tăng cường giám sát giao dịch tiền tệ và dòng vốn xuyên biên giới, theo hãng tin Bloomberg.
Ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics (Vương quốc Anh), dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ sẵn sàng can thiệp nếu đồng nhân dân tệ mất giá quá nhanh, mặc dù họ sẵn sàng để đồng tiền này trượt giá nhẹ và ổn định.
Ông Wrigley cho biết trong báo cáo chính sách tiền tệ của mình, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đề cập đến việc hỗ trợ nhiều hơn cho người mua nhà và một đợt cấp vốn khác cho các nhà phát triển bất động sản để đảm bảo hoàn thành các dự án nhà ở.
Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đề cập đến việc tăng cường sử dụng các công cụ "chính sách" nhằm điều tiết tín dụng cho các lĩnh vực được ưu tiên và kêu gọi tăng các khoản vay cho các công ty sản xuất "là những loại kích thích có mục tiêu bổ sung mà chúng ta có thể thấy trong tháng tới hoặc xa hơn", ông Wrigley nhận định.
Theo số liệu mới công bố, kinh tế Trung Quốc đã suy giảm nhiều hơn trong tháng 6 với chỉ số nhà quản trị mua hàng (CPI) chính thức trong lĩnh vực chế tạo đã đánh dấu tháng suy giảm thứ ba liên tiếp.
Những suy đoán về hỗ trợ chính sách xuất hiện ngày càng nhiều, bởi sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hao hụt động lực khi xuất hiện sự suy yếu ở nhiều lĩnh vực, từ chi tiêu của người tiêu dùng đến thị trường nhà đất, xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa cắt giảm lãi suất chính sách trong tháng 6, đánh dấu đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau gần một năm và báo hiệu một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Tuy nhiên, các quan chức tiền tệ của nước này được cho rằng đã chậm chễ trong việc đưa ra các biện pháp toàn diện hơn.
Một dấu hiệu nữa về sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc là doanh số bán nhà ở nước này đã giảm trong tháng 6, ngược chiều với đà phục hồi kéo dài 4 tháng qua. Nó cho thấy việc ổn định thị trường bất động sản Trung Quốc là cả quá trình dài.
Bằng chứng là giá trị doanh số bán nhà xây mới của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong tháng 6 đã lao dốc 28% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu sơ bộ được công ty thông tin bất động sản Trung Quốc (CRIC) công bố vào cuối ngày 30/6.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng cần phải "vượt qua các trở ngại, thúc đẩy động lực và tăng mức độ điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô", tuy nhiên cơ quan này không đưa ra những kiến giải chi tiết.