Năm 2013, tăng trưởng tín dụng tối đa chỉ gần 10%
Hôm qua, 18/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triệu tập các ngân hàng thương mại để đánh giá lại tình hình năm 2013 cũng như đề ra giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2014. Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc hạ lãi suất, quản lý thị trường vàng, ngoại tệ, song xem ra, tín dụng vẫn là bài toán khó của ngành ngân hàng trong năm nay.
| ||
Tính đến ngày 12/12, tăng trưởng tín dụng năm 2013 mới đạt 8,83% |
Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 12/12/2013, tổng phương tiện thanh toán của cả nước tăng 14,64% so với cuối năm 2012, huy động vốn tăng 15,61%.
Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng trưởng 8,83%. Điều đáng mừng là, tín dụng đã được rót vào những lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, đến cuối tháng 11/2013, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17%, DN ứng dụng công nghệ cao tăng 24,51%, xuất khẩu tăng 3,32%, công nghiệp hỗ trợ tăng 10,84% so với cuối năm 2012.
Tuy vậy, đến thời điểm này, có thể khẳng định chắc chắn rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2013 của ngành ngân hàng không đạt được chỉ tiêu đề ra.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, thông thường hàng năm, riêng tháng 12, tín dụng tăng trưởng 3%. “Như vậy, tính đến hết tháng 12/2013, tăng trưởng tín dụng ước sẽ đạt trên 9%. Nếu tính cả số nợ xấu mà VAMC mua về, dư nợ tín dụng của cả hệ thống sẽ đạt trên 9%”, ông Tiến dự tính.
Trong bối cảnh chỉ tiêu đề ra năm 2013 không đạt, ngành ngân hàng lại đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 khá cao: 12-14%.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), chỉ tiêu này đưa ra để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% của năm 2014. Tuy vậy, với dự báo kinh tế năm 2014 chưa có nhiều chuyển biến, việc định ra chỉ tiêu cao này khiến ngành ngân hàng tự làm khó mình.
Câu hỏi đặt ra là, tín dụng năm 2014 sẽ nhắm vào khu vực nào để đạt mục tiêu tăng trưởng?
Gỡ tín dụng bất động sản, thêm 3 giải pháp xử lý nợ xấu
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, ngoài hoạt động cho vay sản xuất - kinh doanh, năm 2014, tín dụng được kỳ vọng rất lớn vào việc xử lý nợ xấu và giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, cũng như các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau gần nửa năm triển khai, gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”, khi mới giải ngân được 1,6%. Lý giải về vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, sở dĩ gói tín dụng này giải ngân chậm là do dự báo thiếu chuẩn xác về nguồn cung.
Ông Tiến cho biết thêm, NHNN đang đề xuất với Chính phủ cho phép các ngân hàng TMCP cũng được tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, NHNN đang cùng Bộ Xây dựng rà soát lại những vướng mắc về cơ chế; ra sức hối thúc các địa phương, các cơ quan phê duyệt chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội tham gia tích cực hơn.
Bên cạnh tín dụng hỗ trợ nhà ở, việc NHNN áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ xấu áp dụng từ ngày 1/6/2014 cũng đang là gánh nặng với các tổ chức tín dụng. Một khi áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể. Khi đó, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, nguồn tiền để cho vay với nền kinh tế vì vậy cũng sẽ bị co hẹp.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Thảo, Phó chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát (NHNN) khẳng định, NHNN kiên quyết không lùi thêm thời điểm áp dụng Thông tư 02//2013/TT-NHNN. Hiện các ngân hàng cũng đã tính toán sơ bộ nợ xấu nếu áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN, đồng thời đã lên phương án xử lý. Tuy nhiên, để hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu, năm 2014, Cơ quan thanh tra giám sát đang đề nghị áp dụng thêm một số giải pháp xử lý nợ mới trong năm 2014.
Cụ thể, năm 2014, NHNN có thể sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại phân loại nợ xấu thành ba nhóm.
Nhóm thứ nhất là các khách hàng đã giải thể, phá sản, nhưng không còn tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ phải sử dụng nguồn trích lập dự phòng để xóa nợ. Nhóm không còn tài sản gì, có thể sử dụng nguồn dự phòng để xóa nợ.
Nhóm thứ hai là các DN đã phá sản, nhưng có tài sản đảm bảo thì sẽ cho phép ngân hàng thành lập Hội đồng Đấu giá để phát mại tài sản.
Nhóm thứ ba là khách hàng hoạt động khó khăn, NHNN sẽ cho phép thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ, như cho vay thêm, giãn nợ, giảm lãi…
Thùy Liên