Ngân hàng
Ngân hàng tuần qua: Tâm điểm bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý 3
Thùy Liên - 24/10/2021 08:57
Ngân hàng rầm rộ báo lãi lớn, tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi, trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng 5 năm tới, Fed thận trọng tăng lãi suất… là những vấn đề đáng chú ý tuần qua.
Techcombank là ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất quý 3/2021, tính đến thời điểm này

Ngân hàng tư nhân lần lượt công bố lãi khủng

Tâm điểm đáng chú ý nhất tuần qua là hàng chục ngân hàng lần lượt công bố lợi nhuận quý 3/2021 với các con số vô cùng lạc quan.

Techcombank:  Ngân hàng đạt 5.562 tỷ lợi nhuận trước thuế và 4.432 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế 9 đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi sau thuế đạt 13.715 tỷ đồng, tăng 60%.  

TPBank: Lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 đạt 1.387 tỷ, tăng 40,18%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng, tăng hơn 40%.   Lũy kế 9 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.393 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành khoảng 76% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

VIB: Lợi nhuận 5.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Tỷ lệ sinh lời đang đứng ở top đầu ngành với ROE trên 29%. Trong kỳ, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt hơn 10.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. VIB tiếp tục giữ vị thế top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 29%. 

OCB: Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 98% so với kế hoạch quý. Năm 2021, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.500 tỷ đồng, dự kiến cổ tức 25%. 

SeABank: Tổng lợi nhuận trước thuế quý III/2021 đạt 974 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.530 tỷ đồng, tăng 123,7% so với cùng kỳ và vượt xa kế hoạch kinh doanh của cả năm (2.414 tỷ đồng).  

LienVietPostBank:  Lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng chỉ còn 765 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của LienVietPostBank đạt 7.015 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.  Do tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tới 176% so với cùng kỳ lên 887 tỷ đồng nên sau khi trích lập, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng LPB đạt 2.802 tỷ, tăng 61% và lãi sau thuế đạt 2.228 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

BacABank: Lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của BacABank tăng mạnh 58% so với cùng kỳ, đạt 266 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng chứng khoán. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của ngân hàng vẫn đạt 702 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, do dự phòng rủi ro giảm 70%.

PGBank: Lợi nhuận trước thuế quý 3 cao gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước, đạt 97 tỷ đồng, chủ yếu do được hoàn nhập dự phòng rui rro. Lũy kế 9 tháng, PGBank lãi trước thuế gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, đạt 272 tỷ đồng, tương đương 88% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Viet Capital Bank: Lợi nhuận trước thuế quý III/2021 đạt 48,37 tỷ đồng, giảm 48%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế hợp nhất của Ngân hàng đạt lần lượt hơn 385,6 tỷ đồng và hơn 308,3 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 280% và 181% so cùng kỳ năm trước.

SaigonBank:  Lãi ròng 52 tỷ đồng quý 3/2021, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng ghi nhận 161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11% so với cùng kỳ.  

VietABank: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 3/2021 của ngân hàng đạt 126,4 tỷ đồng, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của VietABank cao gấp 3,1 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 522 tỷ đồng. Lý do là trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng chỉ phải bỏ ra 225 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

VietBank: Lãi trước và sau thuế quý 3/2021 giảm lần lượt 21% và 18%, chỉ còn hơn 68 tỷ đồng và 54 tỷ đồng trong quý này. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Vietbank báo lãi trước và sau thuế tăng 6% so với cùng kỳ, đạt gần 395 tỷ đồng và 314 tỷ đồng.

Ngân hàng quốc doanh hụt hơi lợi nhuận

Các ngân hàng thương mại nhà nước chưa công bố lợi nhuận quý 3 năm nay, song dự kiến sẽ có mức tăng trưởng chậm. Ước tính,  trong quý III/2021, lợi nhuận của Vietcombank chỉ tăng 0,3%, VietinBank tăng 3,3%. Cả năm nay, lợi nhuận của big 4 ngân hàng thương mại Nhà nước dự kiến cũng sẽ tăng chậm do mỗi ngân hàng đều cắt giảm trên dưới 7.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp.

Do hụt hơi lợi nhuận, áp lực tăng vốn của khối ngân hàng thương mại nhà nước ngày càng lớn. Trong tuần, HĐQT Vietcombank đã phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua (cổ tức 8% bằng cổ phiếu).

Trước đó, ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Sau đó, ngày 29/9, NHNN có văn bản về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Ngân hàng Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn Vietcombank, đến cuối năm 2020. 

Ngân hàng phá sản, người gửi tiền được chi trả tối đa 125 triệu đồng

Tuần qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về bảo hiểm tiền gửi.

Theo đó, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Như vậy, mức trần chi trả bảo hiểm tiền gửi đã tăng thêm 50 triệu đồng so với quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TT (75 triệu đồng). Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2021 và thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg.

Quan điểm của Chính phủ là bảo vệ tối đa lợi ích người gửi tiền. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ lắng nghe và thảo luận về Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, trong đó có Kế hoạch Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, các tồn tại lớn nhất của công cuộc tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn vừa qua là việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank kéo dài. Bên cạnh đó, mục tiêu xử lý nợ xấu có thể không hoàn thành mục tiêu đề ra (do Covid 19).

Do đó, trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới là tiếp tục xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tín dụng xanh, chuyển đổi số của các ngân hàng….

Fed thận trọng tăng lãi suất cơ bản

Bất chấp nguy cơ lạm phát cao ở Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng sẽ là "quá sớm" nếu tăng lãi suất và gây rủi ro tới các nỗ lực phục hồi nền kinh tế.

Theo Chủ tịch Fed,  cơ quan này đang "đi đúng hướng" để giảm mua các khoản trái phiếu hằng tháng khổng lồ và công việc này được dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ còn quá sớm nếu thực sự thắt chặt chính sách bằng cách tăng lãi suất ngay thời điểm này, vì điều đó sẽ khiến làm chậm tốc độ tăng trưởng việc làm.  

Theo báo cáo được chuẩn bị trước cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed vào ngày 2-3/11 tới, ngân hàng này dự kiến công bố kế hoạch bắt đầu thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh lo ngại về lạm phát gia tăng.  

Tin liên quan
Tin khác