Thời sự
Ngân hàng, viễn thông, địa ốc Việt rầm rộ sang Myanmar
Thùy Liên - 05/08/2016 08:16
Cuối tuần qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã khai trương Khách sạn 5 sao Melia Yangon, thuộc Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center, với tổng mức đầu tư 440 triệu USD. Cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng chính thức khai trương Chi nhánh BIDV Yangon (tọa lạc trong Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center).
TIN LIÊN QUAN

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tại Myanmar (AVIM), Tập đoàn Viettel đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để thực hiện dự án liên doanh trong lĩnh vực viễn thông tại Myanmar, với số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 735 triệu USD (chiếm 49% vốn liên doanh). Như vậy, sau khi dự án được cấp phép, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam tại Myanmar sẽ đạt hơn 1,43 tỷ USD, vươn lên thứ 7 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar và là nhà đầu tư lớn thứ hai của khu vực ASEAN đầu tư vào Myanmar (sau Thái Lan).

.

Đến thời điểm này, rất nhiều “đại gia” của Việt Nam đã đặt chân sang Myanmar, như BIDV, HAGL, Viettel, FPT, Kangaroo…

Tại Diễn đàn Kết nối không gian “Bốn quốc gia - Một điểm đến” được tổ chức tại Myanmar mới đây, rất đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự và tìm kiếm cơ hội phát triển tại thị trường này, như Tường An, Sơn Hà, Doxaco, SIMCO Sông Đà, Công tyThép BMB và hàng loạt công ty lữ hành du lịch, dầu khí…

Theo số liệu thống kê của AVIM, Việt Nam đang đứng thứ 10 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào Myanmar, với khoảng 80 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư đạt gần 700 triệu USD.

Hầu hết dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Myanmar được đánh giá cao về tính hiệu quả. Đơn cử, Trung tâm thương mại của Hoàng Anh Gia Lai (nằm trong Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center) có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%. Khu văn phòng đã có tới 60 -70% khách thuê. Trong khi đó, BIDV đang đóng vai trò như một “bà mối” và là nhà cung cấp vốn cho nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại đây.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cam kết, BIDV sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, vận động các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) đầu tư vào Myanmar. BIDV cũng sẽ vận động các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Myanmar.

Điểm chung của các doanh nghiệp Việt đầu tư vào thị trường Myanmar là rất bền bỉ, như BIDV, FPT, Viettel… đều phải kiên trì, chuẩn bị chu đáo mới giành được những giấy phép quý giá đầu tiên để gia nhập thị trường này.

Myanmar được coi là “mảnh đất vàng” cuối cùng của khu vực, song không phải vì thế mà kinh doanh ở đây dễ dàng. Tuy mới mở cửa, song Myanmar đã thành nơi tập trung của những đối thủ “khó chơi” nhất.

Bên cạnh đó, Chính phủ Myanmar cũng có nhiều quy định khá chặt chẽ để bảo vệ thị trường nội địa. Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, tất cả chi nhánh ngân hàng ngoại đều phải gửi một số tiền khá lớn - nhiều chục triệu USD - trong Ngân hàng Trung ương Myanmar. Số tiền này phải “nằm chết”, mà không được trả lãi, gây tốn kém không nhỏ cho các ngân hàng ngoại. Ngoài ra, tất cả ngân hàng ngoại đều chỉ được cấp giấy phép hoạt động hạn chế, không được phục vụ khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp bản địa, trừ khi hợp tác với ngân hàng Myanmar.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng tại Myanmar hiện khá đông đảo. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Myanmar cho hay, nước này có 4 ngân hàng thương mại nhà nước, 24 ngân hàng nội địa, cùng 13 chi nhánh và 49 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài đã được cấp phép.

Đối với các lĩnh vực khác, cạnh tranh cũng không đơn giản. Với Viettel, khi gia nhập thị trường Myanmar, ngoài “đại gia” viễn thông nội địa là Myanmar Posts and Telecommunications thì còn phải dè chừng 2 đối thủ ngoại sừng sỏ là Telenor ASA (Na Uy) và Ooredoo (Qatar).

Được biết, năm 2015, doanh thu của Telenor đạt hơn 3 tỷ USD, Ooredoo đạt gần 9 tỷ USD, trong khi của Viettel chỉ khoảng 2 tỷ USD. Thực tế, khi Viettel chưa gia nhập thị trường thì đường phố Myanmar đã ngập tràn quảng cáo của 2 đại gia viễn thông ngoại trên.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, đáng mừng là người dân và doanh nghiệp Myanmar dành nhiều cảm tình đối với hàng Việt Nam và không chuộng hàng Trung Quốc. Nhiều mặt hàng nhựa, giày dép, thiết bị điện, vật liệu xây dựng, sản phẩm phục vụ nông nghiệp… của Việt Nam đã có được chỗ đứng tại thị trường Myanmar. Tuy nhiên, về chất lượng và giá cả, hàng Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc, Thái Lan tại thị trường này.

Tin liên quan
Tin khác