Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng yếu sẽ dồn dập sang tên, đổi chủ?
Trần Mạnh - 09/04/2018 08:16
Một loạt ngân hàng yếu sẽ được phê duyệt phương án tái cơ cấu mới trong năm 2018, sau một thời gian dài trì hoãn.
TIN LIÊN QUAN

M&A - giải pháp khó tránh

Sau 3 năm đàm phán bất thành với VietinBank, PGBank giờ đây đang tìm đối tác khác để sáp nhập. Dù hồ sơ sáp nhập và Thỏa thuận hợp tác toàn diện đã được  PGBank và VietinBank ký kết từ năm 2015, song  thương vụ đã không thành. Ngày 21/4 tới, cả hai ngân hàng này đều tổ chức họp đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về việc hủy giao dịch sáp nhập này.

Một trong những ngân hàng mà PGBank có thể sáp nhập là MB. Theo ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB, hai bên đang trong quá tình đàm phán và chưa có thỏa thuận nào được thông qua, ký kết, song khả năng PGBank sáp nhập vào MB là rất cao.

.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, ngoài PGBank, có hai ngân hàng yếu khác cũng đang tích cực đàm phán về mua bán - sáp nhập (M&A) trong năm nay.

Trên thực tế, việc xử lý ngân hàng yếu kém có dấu hiệu chậm lại trong vài năm gần đây, do khối nợ xấu mà các ngân hàng này đang gánh quá lớn, nên rất khó tìm kiếm được đối tác chiến lược. Trong số các ngân hàng đã tái cơ cấu giai đoạn I, số ngân hàng thực sự bứt phá chỉ đếm được trên đầu ngón tay. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, nợ xấu vẫn đang là vấn đề nóng bỏng của một số ngân hàng thương mại yếu kém. Do đó, nếu không đẩy mạnh tái cơ cấu, sau 3 năm nữa, nợ xấu có thể tăng trở lại.

“Đẩy nhanh tái cơ cấu là thách thức lớn với ngân hàng trung ương. Hiện Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng. Do đó, để đẩy mạnh tái cơ cấu, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải yêu cầu các ngân hàng yếu vận dụng các quy định pháp lý mới để đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Đồng thời, phải tăng cường hoạt động mua bán, sáp nhập”, ông Nghĩa khuyến cáo.

Trước đó, đại diện NHNN thừa nhận, có thực trạng cổ đông lớn của ngân hàng yếu chây ỳ tái cơ cấu, khiến quá trình xử lý bị kéo dài, mà NHNN không thể xử lý. Tuy nhiên, theo quy định mới, các ngân hàng yếu kém kéo dài sẽ bị phá sản. Dù vậy, NHNN vẫn đang xây dựng phương án tái cơ cấu theo hướng mua bán, sáp nhập, tìm cổ đông chiến lược, tự tái cơ cấu…, chứ chưa bắt buộc ngân hàng nào phá sản.

Can thiệp sớm các ngân hàng yếu kém

Dù chưa bắt buộc ngân hàng nào phá sản, song mới đây, NHNN đã ban hành văn bản bổ sung biện pháp “can thiệp sớm” trong trong giám sát ngân hàng.  Theo đó, các ngân hàng yếu kém sẽ luôn trong “tầm ngắm” và có nguy cơ bị hạn chế hoạt động bất cứ lúc nào.

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn THị Hồng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ năm nay sẽ giúp việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém trở nên khả thi hơn.

Cụ thể, năm 2018, các ngân hàng yếu kém đứng trước cơ hội phục hồi lớn bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống đã được luật hóa. Tuy nhiên, các ngân hàng này cũng không còn “cửa” để chây ỳ.

Đặc biệt, năm nay, các ngân hàng cũng đang có nhiều cơ hội đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hỗ trợ rất lớn về xử lý nợ xấu. Thực tế, nhờ nghị quyết này, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng như Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank… đã thu về hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu.

Lãnh đạo NHNN cho hay, cơ quan này đang theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh xử lý ngân hàng yếu kém, NHNN cũng ráo riết yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, triển khai áp dụng chuẩn mực vốn theo quy định của Hiệp ước Basel II…

Tin liên quan
Tin khác