Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát (VBA) cho hay, theo các quy định hiện hành, từ 1/1/2013, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với bia đã tăng từ 45% lên 50% và từ 1/1/2016 sẽ tiếp tục tăng thêm 15% trong 3 năm (2016-2018).
Nhưng trong khi việc tăng thuế thêm 15% trong 3 năm tới theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TTĐB số 70/2014/QH13 chưa được thực thi thì Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật thuế lại đưa ra hàng loạt các thay đổi lớn.
“Các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất cần một môi trường đầu tư cũng như chính sách quản lý nhà nước ổn định để hoạch định kế hoạch chiến lược kinh doanh. Sự bất ổn về mặt chính sách này tạo khó khăn vô cùng lớn cho doanh nghiệp trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh vì không thể dự đoán được sự thay đổi của chính sách, pháp luật”, ông Việt nhận xét.
Dẫn chứng cụ thể cho nhận xét này là quy định giá tính thuế do các công ty con bán ra tại Dự thảo. Theo đó, “trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do các công ty con bán ra thị trường (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi). Quan hệ công ty mẹ, công ty con được xác định theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
Theo ông Việt, nếu nội dung này được thông qua sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thương mại trong hệ thống mẹ-con và doanh nghiệp thương mại độc lập và làm phát sinh số thuế phải nộp của doanh nghiệp sản xuất có cơ sở kinh doanh thương mại và trong cùng mặt hàng. Hơn nữa, việc áp giá tính thuế vào công ty thương mại có khả năng làm rối loạn việc triển khai kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và phá vỡ hệ thống phân phối hiện có, không khuyến khích chuyên môn hoá.
“Việc quy định “giá tính thuế là giá do các công ty bán ra thị trường” được cho là không giải quyết được vấn đề chống chuyển giá vì trên thực tế, giữa giá bán của cơ sở sản xuất và giá bán ra của cơ sở thương mại đã được khống chế, hiện tại là 10%. Đồng thời, công ty thương mại đều là công ty 100% vốn của công ty mẹ.
Chia sẻ quan điểm này, đại diện một doanh nghiệp bia cho hay, sự tồn tại của công ty thương mại có mối quan hệ mẹ - con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ là căn cứ để cơ quan thuế dễ dàng xác định số thuế phải thu một cách minh bạch giữa cơ quan thuế và đơn vị nộp thuế. Tuy nhiên theo đề xuất mới, cơ sở để xác đinh số thuế phải thu sẽ dựa trên giá bán ra của một bên thứ ba là đại lý cấp 1 và giá bán này không cố định, luôn có thể thay đổi theo địa lý, thời vụ. Như vậy doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động, luôn lo mình đã kê khai đúng thuế hay chưa? Còn cơ quan thuế cũng luôn phải băn khoăn, liệu đã thu đúng và đủ thuế chưa? Chưa kể đây có thể là lỗ hổng, dẫn tới phát sinh tiêu cực giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp, phá vỡ sự minh bạch. Hậu quả là nhà nước sẽ thất thu thuế.
Cũng tại Dự thảo Luật hiện có đưa ra quy định, “giá tính thuế TTĐB… với hàng hoá nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu đưa ra” và “đối với hàng hoá nhập khẩu tại khâu nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu” được VBA cho là chưa hợp lý.
Nguyên do, nếu tính tính thuế hàng hoá nhập khẩu tính trên cở sở giá bán ra của cơ sở nhập khẩu sẽ làm tăng số thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu lên tới 15% do phải nộp qua 2 khâu: khâu nhập khẩu và khâu bán hàng trong nước. Như vậy, thuế TTĐB phải nộp sẽ là 60-65%, chứ không phải là 55% như quy định hiện nay tại Luật số 70/2014/QH13.
Đó là chưa kể tác dụng phụ của sự thay đổi là làm gia tăng hiện tượng trốn thuế, nhập lậu, hàng giả gây khó kiểm soát, thất thu ngân sách.
Đã có một nghiên cứu được Viện Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công thương) phối hợp cùng Công ty Regioplan (Hà Lan) và Earnst & Young Việt Nam thực hiện khi thuế suất thuế TTĐB của bia tăng từ 45% lên 50% tại thời điểm năm 2013. Kết quả cho thấy, vào quý I/2014, tuy giá trị thuế TTĐB thu được tăng 31% nhưng tổng thu ngân sách liên quan đến ngành bia bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng của các ngành có liên quan trong chuỗi cung ứng lại giảm 6%.
Tính đến hết năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành bia đã sụt giảm đáng kể, chỉ còn là 3,1% so với 7,6% của năm 2013 và 8% của năm 2012. “Như vậy, tăng thuế không hợp lý chỉ có thể tăng thu ngay trong thời gian ngắn và làm giảm nguồn thu trong dài hạn”, ông Việt nói và cho hay, vì vậy VBA kiến nghị, giữ nguyên luật và các văn bản dưới luật hiện hành liên quan đến cơ sở xác định giá tính thuế TTĐB với mặt hàng bia như hiện tại.