Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu, Nước giải khát |
Năm 2016, 2017 và 2018, thuế TTĐB tăng thêm 5%/năm và điều này tác động thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực bia, rượu?
Tăng thuế khiến nghĩa vụ nộp ngân sách của doanh nghiệp từ sắc thuế này tăng từ mức 14.703 tỷ đồng năm 2012 lên 18.247 tỷ đồng và 19.900 tỷ đồng vào năm 2013 và 2014, nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống. Nếu năm 2012, tốc độ tăng thu của thuế TTĐB đối với ngành bia rượu là 25,6%, thì đến năm 2013 và 2014, tốc độ tăng trưởng chỉ tương ứng 24%. Điều này cho thấy, ngành bia, rượu đã bắt đầu gặp khó khăn.
Khi thuế TTĐB tiếp tục tăng thêm mỗi năm 5% kể từ năm tới sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có mức thuế TTĐB đối với bia, rượu cao nhất thế giới, thì hai ngành này sẽ gặp khó khăn rất nhiều trong việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đặc biệt là bia nhập khẩu từ Lào, Philippines và Thái Lan.
Thuế TTĐB đánh vào người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ thuế và nộp hộ vào ngân sách nhà nước, vì thế tăng thuế không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Đúng là sắc thuế này đánh vào người sử dụng bia, rượu, nhưng vấn đề là khi tăng thuế thì giá bán tăng, nhiều người tiêu dùng không chịu nổi và như vậy sẽ sinh ra gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu. Hơn nữa, Lào, Philippines và Thái Lan có ngành công nghiệp sản xuất bia rất phát triển, nên thuế tăng quá cao, thì tình trạng buôn lậu sẽ gia tăng. Nếu việc ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại không hiệu quả thì sản xuất trong nước gặp khó khăn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, chấp hành đầy đủ chính sách thuế.
Một trong những mục tiêu của thuế TTĐB là hạn chế tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ không khuyến khích, thưa ông?
Hai mục tiêu quan trọng nhất của thuế TTĐB là bảo đảm nguồn thu cho ngân sách và điều tiết tiêu dùng. Nếu thuế quá cao thì ngân sách chưa chắc đã tăng thu vì nảy sinh buôn lậu, gian lận thương mại.
Còn về điều tiết tiêu dùng, đúng là trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp bia, rượu của Việt Nam có mức tăng trưởng khá cao, nhưng trên thực tế, mức tiêu thụ bia của Việt Nam không cao như nhiều người nghĩ. Cụ thể, năm 2015, cả nước tiêu thụ khoảng 3,2 tỷ lít bia, bình quân mỗi người dân sử dụng 35 lít/năm, thấp xa so với nhiều nước trong khu vực như Lào (50 lít/năm), Trung Quốc (40 lít/năm)…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Đúng là không nên khuyến khích sử dụng bia, rượu, nhưng phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế, chứ không chỉ sử dụng chính sách thuế. Nếu chỉ sử dụng chính sách thuế để điều tiết tiêu dùng, sẽ dẫn tới ngân sách giảm thu do gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất hàng giả và cũng không bảo vệ được sức khỏe của cộng đồng, cũng như các vấn đề xã hội nảy sinh do sử dụng rượu, bia quá mức. Vì thuế tăng, thu nhập của người dân có hạn, trong khi nhu cầu sử dụng bia, rượu vẫn cao, nên thay vì sản xuất bia, rượu chất lượng cao, độ độc hại ít, doanh nghiệp buộc phải sản xuất sản phẩm có chất lượng thấp hơn để phù hợp với thị trường.
Theo ông, mức thuế TTĐB mới sẽ tăng thêm 15% trong vòng 3 năm tới có phù hợp với thực tế?
Mức thuế mới được Quốc hội ban hành tại Luật thuế TTĐB sửa đổi năm 2014 đã tính toán đến mọi yếu tố từ thu ngân sách; hoạt động sản xuất, kinh doanh; sự phát triển của ngành công nghiệp bia, rượu…, nên doanh nghiệp vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng theo cách xác định giá tính thuế TTĐB đang được Bộ Tài chính đề xuất trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, thì thuế TTĐB với bia, rượu tăng thêm 15% nữa sẽ quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra; đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Nhưng theo đề xuất của Bộ Tài chính thì kể từ năm 2016, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Trường hợp doanh nghiệp bán hàng qua công ty con thì giá tính thuế là giá do công ty con bán ra thị trường. Còn đối với bia, rượu nhập khẩu, giá tính thuế là giá cơ sở nhập khẩu bán ra thị trường.
Cách xác định giá tính thuế mới không chỉ làm thuế suất thực tế tăng thêm 15%, mà còn vô cùng phức tạp, khó khăn trong khâu xác định giá tính thuế vì giá bán ra thị trường mỗi nơi một khác, mỗi thời điểm một khác.