Theo Dự thảo Luật thuế TTĐB đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, thuế suất TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá sẽ nâng từ 65% lên 75% từ ngày 1/7/2015 và lên 85% từ ngày 1/1/2018; mặt hàng rượu nâng từ 25% và 50% lên 35% và 65%.
| ||
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn bổ sung mặt hàng nước ngọt có gas không cồn; kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua tin nhắn vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất tương ứng là 10% và 30%.
Với mức thu nhập bình quân đầu người chưa đến 2.000 USD/năm, nhưng một bộ phận dân số nước ta thường xuyên sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ không khuyến khích, thậm chí có hại cho sức khỏe, thì đề xuất tăng thuế đối với mặt hàng rượu bia, thuốc lá của Bộ Tài chính chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của xã hội.
Vấn đề đặt ra là, nâng thuế TTĐB lên bao nhiêu là hợp lý, vì chính sách thuế luôn có 2 mặt.
Ở bất cứ đâu, đặc biệt là tại đô thị, người tiêu dùng đều có thể mua được thuốc lá nhập lậu.
Ước tính của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho thấy, thuốc lá nhập lậu ngày càng tăng mạnh, năm 2013 chiếm tới 22,2% thị phần, khiến Nhà nước thất thu khoảng 7.000 tỷ đồng tiền thuế cùng 400 triệu USD để nhập lậu thuốc lá. Nguyên nhân là do giá thành thuốc lá ở Việt Nam cao vì thuế cao.
Vì vậy, nếu tăng thuế TTĐB với thuốc lá không hợp lý chắc chắn sẽ khiến cuộc chiến chống thuốc lá lậu sẽ cam go hơn và thị phần thuốc lá nhập lậu không chỉ dừng ở 25% vào cuối năm nay như dự báo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam. Kéo theo đó là số người lao động mất việc trong ngành công nghiệp thuốc lá gia tăng.
Tương tự mặt hàng thuốc lá, ở bất cứ đâu người tiêu dùng đều có thể mua được rượu Chivas, Ballantine, Hennessy, John Walker... “xách tay”, nhập lậu với đủ mọi chất lượng, từ cao cấp tới… độc hại. Nếu áp mức thuế TTĐB mặt hàng rượu quá cao, thì mục tiêu sản xuất 188 triệu lít rượu công nghiệp vào năm 2015 và 440 triệu lít vào năm 2020 của Bộ Công thương sẽ bị phá sản, tạo điều kiện cho rượu lậu hoành hành. Khi đó, hoạt động sản xuất rượu tự phát với độ độc hại cao hơn rất nhiều so với rượu công nghiệp, sẽ gia tăng.
Cả nước hiện có khoảng 140 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, năm 2013, cung cấp cho thị trường trên 4 tỷ lít nước giải khát các loại, trong đó có 925 triệu lít nước ngọt có gas. Nếu đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas với thuế suất 10%, sẽ đem lại cho ngân sách khoản thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng điều đáng bàn là, trong số doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có doanh thu lớn nhất hiện nay, có quá nửa là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với những nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu như Coca-Cola, Pepsi, 7-Up, Red Bull… Vì vậy, việc đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas, sẽ gián tiếp đẩy hàng loạt doanh nghiệp sản xuất nước giải khát nội địa rơi vào khó khăn.
Với mức tiêu thụ 3 tỷ lít bia và gần 100 triệu lít rượu công nghiệp trong năm 2013, Việt Nam đã chính thức trở thành “cường quốc” sử dụng rượu bia trong khu vực, đứng thứ 3 ở châu Á và thứ 28 trên thế giới. Với khoảng 15 triệu người từ 15 tuổi trở lên có thói quen hút thuốc lá hàng ngày, Việt Nam còn là “miền đất hứa” với mặt hàng thuốc lá.
Tăng thuế và áp thuế TTĐB đối với bia rượu, thuốc lá, nước giải khát có gas là cần thiết, nhưng tăng bao nhiêu, tăng theo lộ trình nào để vừa định hướng tiêu dùng, tăng thu cho ngân sách, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước và hạn chế được nhập lậu là bài toán cần được các đại biểu Quốc hội tìm lời giải chính xác khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.
Mạnh Bôn