Ngành bia được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022 |
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI vừa ra báo cáo về thị trường bia tại Việt Nam trong năm 2021, với nhận định rằng thị trường này sẽ tiếp tục đà phục hồi trong thời gian tới, nhưng để phục hồi hoàn toàn phải bước sang năm 2022.
Năm 2020 là một năm thật sự khó khăn đối với ngành bia. Lĩnh vực này chịu tác động kép từ luật phòng chống tác hại của rượu bia (Nghị định 100, có hiệu lực từ 1/1/2020) và dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Trong số các ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhu cầu bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn cả bởi Covid-19 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2020, tương ứng giảm -3,6%/-22,9%/-11,9% so với cùng kỳ trong quý 1-3/2020.
Cụ thể, quý 2 là quý tệ nhất của ngành bia do giãn cách xã hội trên toàn quốc, các cơ sở dịch vụ đồ uống - được xếp vào nhóm "dịch vụ không thiết yếu" phải đóng cửa trong thời gian dài hơn các ngành kinh doanh khác.
Kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ, kênh chiếm khoảng 70% tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các biện pháp giãn cách xã hội.
Theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), sản lượng bia năm 2020 giảm từ 10-20%. Mặc dù đang tạo ra gần 200.000 việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp, hàng năm có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp ngành bia vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, tổng sản lượng bia sản xuất đạt chỉ 4,4 tỷ lít, giảm 13,9% so với 2019.
SSI dự báo, năm 2021, thị trường bia sẽ tiếp tục đà phục hồi nhưng phải đến năm 2022 nhu cầu tiêu thụ bia mới có thể phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước dịch Covid-19.
Trong đó, ông lớn ngành bia là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), được dự báo doanh thu năm 2021 sẽ phục hồi 22,1% so với mức thấp nhất năm 2020, với giá bán trung bình tăng 2% do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm.
Lợi nhuận sau thuế của Sabeco ước đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2020. Mặc dù doanh thu năm 2021 có thể thấp hơn năm 2019, song lãi sau thuế có khả năng vượt năm 2019 do tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện. Năm 2022, dự báo tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco lần lượt là 8,2% và 14,3% so với năm 2021.
Những diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn sẽ nhìn thấy rõ ở năm 2021, khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng điều chỉnh thói quen uống rượu của họ, nhờ đó, tác động của Nghị định 100 có thể sẽ giảm dần khi người tiêu dùng bắt đầu tự giác chấp hành các quy định.
Cùng với đó, kênh phân phối mua về nhà (off-premise) dần trở nên quan trọng hơn. Các công ty bia đã bắt đầu tập trung hơn vào kênh offpremise và kênh thương mại hiện đại. Dù vậy, ngành sản xuất, kinh doanh bia cũng sẽ gặp các vấn đề và rủi ro như tiêu thụ bia giảm nếu đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trong năm 2021 cùng với việc tăng giá của nguyên liệu.