Viễn thông - Công nghệ
Ngành bưu chính “vượt bão”, cán mốc 37.000 tỷ đồng
Hữu Tuấn - 21/12/2021 13:42
Năm 2021, ngành bưu chính Việt Nam đã có năm chống chọi với dịch bệnh, vượt khó thành công với mức doanh thu 37.000 tỷ đồng.

Năm 2021, để hỗ trợ các ngành sản xuất bị ảnh hưởng lưu thông, tiêu thụ hàng hóa ngành bưu chính đã đưa hơn 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn Thương mại điện tử như Postmart của Vietnam Post, Vỏ Sò của Viettel Post... Đã có hơn 49.000 sản phẩm nông sản được đưa lên các sàn TMĐT; hơn 67.500 giao dịch được thực hiện trên sàn Thương mại điện tử.

Riêng Viettel Post đã hỗ trợ hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, qua đó có hơn 36.000 giao dịch tiêu thụ 12.884 tấn hàng với trị giá 74,3 tỷ đồng. 

Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Viettel Post  cho biết, trong năm 2021, đơn vị đã tổ chức tập huấn (cả trực tiếp và trực tuyến) cho hơn 2,5 triệu lượt hộ sản xuất nông nghiệp. Ngoài quy trình đưa sản phẩm lên sàn, nông dân được hướng dẫn chụp hình, phát trực tiếp (livestream) tương tác với khách hàng. Mặt khác, nhân viên của Viettel Post đến tận vườn hướng dẫn bà con từ khâu thu hoạch, loại bỏ quả hỏng, đến đóng gói trong hộp tiêu chuẩn để sản phẩm tới tay người tiêu dùng được tươi ngon nhất.

Người nông dân được doanh nghiệp bưu chính hướng dẫn lên sàn TMĐT để bán nông sản.

Ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển Vietnam Post  cho biết, đến nay, Postmart đã đưa sản phẩm của hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong cả nước lên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản. 

Chỉ riêng 5 doanh nghiệp bưu chính đầu ngành gồm Vietnam Post, Viettel Post, Giao hàng Tiết kiệm, Giao hàng Nhanh, Netco đã vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu  tại 27 tỉnh thực hiện giãn cách xã hội với 4.162 8 điểm cung cấp, 102.974 tấn hàng hóa thiết yếu được cung cấp, tổng giá trị 1.614 tỷ đồng và 8.390 tấn hàng hóa vận chuyển theo yêu cầu của địa phương.

Đến tháng 10/2021, Bộ đã chỉ đạo hoàn thành sớm chỉ tiêu “100% xã có điểm phục vụ có người phục vụ” theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, theo đó, hiện mạng bưu chính công cộng đã thiết lập 9.215 điểm phục vụ bưu chính tại 8.295 xã trên cả nước.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước dẫn đến nhu cầu dịch vụ giảm, nhiều hoạt động kinh doanh đóng cửa, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của dịch vụ bưu chính, chuyển phát. Doanh thu, sản lượng dịch vụ bưu chính giảm mạnh trong các tháng cao điểm của dịch bệnh. Số lao động giảm cục bộ trong ngắn hạn do thực hiện giãn cách xã hội. Nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường giảm bình quân khoảng 40%/tháng trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19

Kết quả kinh doanh của ngành bưu chính khá khả quan trong năm 2021 khi cán mốc 37.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành giảm mạnh do phải chi phí lớn cho công tác đảm bảo an toàn chống dịch, chỉ đạt 130 tỷ đồng, so với 410 tỷ đồng trong năm 2020.

Năm 2022, Vietnam Post lên kế hoạch sẽ hỗ trợ thêm 2,5 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.

“Chúng tôi cũng tận dụng hệ thống mạng lưới 63 bưu điện tỉnh, thành phố với hơn 13.000 điểm phục vụ để trưng bày nông sản”, ông Phan Trọng Lê cho biết.

Còn theo Phó Tổng giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn, trong năm 2022, đơn vị đặt mục tiêu đưa sản phẩm của 5 triệu hộ nông dân lên sàn, tiếp tục tập huấn kỹ năng chuyển đổi số để nông dân chủ động mở rộng kinh doanh. “Vỏ Sò phấn đấu trở thành sàn thương mại điện tử số 1 về đặc sản Việt Nam, giúp kết nối nhà sản xuất và nông dân với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng nội địa lẫn quốc tế, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam trên thế giới”, ông Sơn kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác