Doanh nghiệp
Bưu chính vào mùa cao điểm, đặt mục tiêu “đục trần”
Hữu Tuấn - 23/11/2021 15:03
Những tháng cuối năm là “mùa gặt” của ngành bưu chính chuyển phát. Đây cũng là thời điểm để gỡ gạc nhiều tháng thất thu do dịch bệnh.
Do ảnh hưởng của Covid-19, nên trong quý III/2021, doanh thu và sản lượng ngành bưu chính trên toàn quốc giảm 50% so với quý II/2021

Phục hồi sau chuỗi ngày khó khăn

Bưu chính là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19. Trong thời gian dịch bệnh lan rộng, hoạt động chuyển phát bị ngưng trệ, các doanh nghiệp bưu chính gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ, dẫn tới doanh số giảm rất mạnh. Ví dụ, tháng 8/2021, Viettel Post giảm 40%, Giao hàng tiết kiệm giảm 40%, Giao hàng nhanh giảm 40%, J&T giảm 50%, Ninsing giảm tới 60%...

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, do ảnh hưởng của Covid-19, nên trong quý III/2021, doanh thu và sản lượng ngành bưu chính trên toàn quốc giảm 50% so với quý II/2021. Tại các khu vực vùng dịch, lực lượng lao động chuyển phát chỉ được hoạt động tối đa 50% quân số theo yêu cầu của chính quyền địa phương...

Sang tháng 10, doanh nghiệp bưu chính từng bước khôi phục sản xuất khi các địa phương dần trở về trạng thái bình thường mới. Tính đến tháng 10/2021, số doanh nghiệp bưu chính tăng thêm 70 doanh nghiệp, doanh thu bưu chính ước hết quý III/2021 đạt 7.500 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng ước đạt 29.500 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Theo ông Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Giao hàng nhanh, quý III/2021, sản lượng của Giao hàng nhanh đã giảm 50%. Tuy nhiên, trong khó khăn, cơ hội cũng xuất hiện. Trong tháng 10/2021, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, Giao hàng nhanh đã tạo ra kết quả mới, doanh thu, sản lượng đã tăng trưởng tốt hơn trước dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Minh, Phó tổng giám đốc Giao hàng tiết kiệm cũng cho hay, trong tháng 10/2021, sản lượng của Công ty đã tăng trưởng trở lại. Giao hàng tiết kiệm đã xây dựng hệ thống cảnh báo thời gian thực vùng xanh - đỏ, số hóa tình trạng shipper và phong tỏa nhanh, đóng tuyến khi có nguy cơ để giảm tác động, duy trì kết nối trực tuyến với khách hàng.

Dù đã phần nào khôi phục hoạt động, song khó khăn với doanh nghiệp bưu chính vẫn còn nhiều. Đại diện Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) cho biết, mặc dù doanh nghiệp bưu chính được các địa phương cho phép hoạt động để cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người dân, nhưng các quy định, chính sách áp dụng chưa đồng bộ. Một số địa phương chỉ chấp nhận Bưu điện Việt Nam, Viettel Post, dẫn đến các doanh nghiệp bưu chính khác gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ.

Dồn lực cho tháng cao điểm

Những tháng cuối năm là thời điểm vào mùa mua sắm, lượng hàng hóa lưu chuyển lớn nhất trong năm. Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình, thậm chí đột phá mạnh.

Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post nhận định, cuối năm nhu cầu mua nông sản của người tiêu dùng tăng cao, đặc biệt vào các dịp lễ Tết, khối lượng giao dịch có thể tăng 200% so với ngày thường. Vietnam Post đã xây dựng luồng ưu tiên cho việc vận chuyển các sản phẩm nông sản để đảm bảo thời gian vận chuyển và chất lượng trái cây tươi ngon; bố trí khu vực bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn để lưu trữ nông sản trong quá trình chờ vận chuyển.

Tính đến ngày 16/10/2021, các doanh nghiệp bưu chính đã thiết lập 4.162 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu; cung cấp 102.974 tấn hàng hóa, trị giá 1.614 tỷ đồng; vận chuyển 8.390 tấn hàng hóa theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương.

 

Ngoài các chương trình hỗ trợ nông dân mở gian hàng số trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Vietnam Post đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ trực tiếp việc tiêu thụ nông sản thông qua thế mạnh của đơn vị chuyển phát, hậu cần thương mại điện tử. Điển hình như ban hành các chính sách giá vận chuyển hợp lý, bố trí kho lạnh tại các tỉnh, thành phố để đảm bảo chất lượng hàng tươi ngon, phối hợp với các nhà cung cấp giảm giá sản phẩm vào đợt lễ, tết…

Với Viettel Post, doanh nghiệp này cũng đặt trọng tâm vào chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đưa tiểu thương lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. Mặt khác, Viettel Post tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ gửi hàng theo kiện với mô hình D2C (Direct to Customer) mà không cần thông qua khâu trung gian, giúp tối ưu thời gian và chi phí.

Được biết, Viettel Post đang đẩy mạnh chiến lược triển khai dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, thời gian qua đã có hơn 1.000 đơn hàng được Viettel Post vận chuyển tới các nước EU. Bên cạnh đó, Viettel Post cũng phát triển mô hình điểm thu gom hàng hóa, giúp gia tăng tương tác với khách hàng, đưa dịch vụ đến gần khách hàng, giảm chi phí vận hành. Số lượng điểm thu gom là 2.376 điểm, mục tiêu đến cuối năm 2021, số điểm thu gom của Viettel Post trên toàn quốc sẽ tăng lên 5.000 điểm.

Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Viettel Post đã đề nghị các tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vắc-xin cho nhân viên giao nhận hàng; đưa ứng dụng công nghệ mới vào cuộc sống để có thể “giao tiếp không tiếp xúc trực tiếp”, giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và đảm bảo các hoạt động kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Mặc dù gặp vô vàn khó khăn, nhưng ngành bưu chính vẫn kỳ vọng sẽ đạt doanh thu năm 2021 là 38.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2020. Nếu dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp bưu chính nỗ lực tăng tốc, sản xuất, kinh doanh ổn định, tốc độ tiêu thụ hàng hóa tăng nhanh, thì mục tiêu “đục trần” này hoàn toàn khả thi.

Tin liên quan
Tin khác