Trải qua 3 mùa triển lãm với hơn 2,000 doanh nghiệp chuyên ngành là những khách hàng đã và đang trong hệ thống dữ liệu của nhà tổ chức.
Triển lãm năm nay góp mặt 300 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tiếp tục là sự kiện duy nhất tiên phong trong lĩnh vực Cơ khí, Dụng cụ cầm tay tại thị trường Việt Nam.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuỗi cung ứng toàn cầu là những khái niệm then chốt được nhắc đến nhiều trong mô hình phát triển ngành cơ khí. Trong đó, công nghiệp hạ nguồn gồm cơ khí gia dụng và dụng cụ là cả một phân khúc rộng lớn gồm: dụng cụ trong các ngành: điện - khí nén - bảo dưỡng, sửa chữa - mài - vật liệu đánh bóng - cắt gọt - hàn; Ngũ kim xây dựng và DIY; Thiết bị và máy móc sản xuất; Linh kiện gia cố: Bulông và đinh ốc các loại, đinh tán, lò xo cơ khí…
Theo đơn vị tổ chức Vinexad, mục tiêu năm nay là quy tụ thương hiệu quốc tế uy tín nhằm quảng bá sức hấp dẫn của thị trường trong nước để hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, hợp tác xây dựng chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, “kéo” thương hiệu trong nước tăng thị phần xuất khẩu và kích thích nhu cầu sử dụng sản phẩm nội địa hơn.
Đối tác lớn từ các thị trường như Ấn Độ, Đức, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, … sẽ là cầu nối đưa các thương hiệu đến với Việt Nam và làm nóng thị trường trong nước.
Ông Frank Yang, Giám đốc phát triển khu vực Châu Á Thái Bình Dương thương hiệu WERA (Đức), cho rằng, với thị trường tiêu thụ tiềm năng như Việt Nam, việc tham gia triển lãm là cơ hội để công ty tiếp cận các nhà sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế để cùng nhau phát triển trong lĩnh vực công cụ và máy móc.
Năm 2018, Thương hiệu PATTA (Đài Loan) lần đầu tiên tham gia triển lãm và chia sẻ về nhà máy sản xuất tại Bình Dương. Đây là một trong những dự án đã được Pata tính toán kỹ lưỡng khi mong muốn phát triển tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á với các sản phẩm đinh vít và phụ tùng đáp ứng mọi nhu cầu sản xuất với thương hiệu “Patta - Made in Vietnam”.
Thông qua kênh triển lãm, đã có nhiều khách hàng quốc tế tìm được đối tác tiềm năng Việt Nam |
Đại diện doanh nghiệp Cơ khí Việt chia sẻ, đã tiếp nhận hai đơn hàng sản xuất kệ cho một doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp thông qua ban tổ chức. Phương thức tiếp cận khách hàng giờ đã thay đổi nhiều. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp cùng ngành cũng như các đơn vị trung gian có vai trò không hề nhỏ giúp cho cả người bán và người mua tìm thấy nhau.
Mặc dù vậy, giới chuyên môn cho rằng, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Nhiều điểm nghẽn đã được chỉ ra. Trong đó, điểm nghẽn về thị trường, bất kỳ ngành sản xuất nào mà không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, trước hết là thị trường nội địa, thì đều không thể phát triển được. Trong khi đó Việt Nam chưa có những biện pháp phù hợp để bảo vệ và khai thác thị trường nội địa cho ngành cơ khí.
Ngoài ra, trình độ quản trị sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đa phần còn thấp, không có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ quản trị sản xuất - kinh doanh tiệm cận thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cuối cùng , việc đầu tư đổi mới công nghệ trùng lắp, phân tán, gây lãng phí lớn và hiệu quả sản xuất kinh doanh kém...