Logo của Netease tại Triển lãm giải trí kỹ thuật số ChinaJoy được tổ chức ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 30/6/2021. Ảnh: Reuters |
Ông Tariq Dennison, Giám đốc quản lý tài sản tại Quỹ quản lý tài sản GFM (Hong Kong, Trung Quốc) đưa ra nhận định trên trong bối cảnh dòng tiền đầu tư vào cổ phiếu của nhiều "ông lớn" công nghệ Trung Quốc vẫn tăng lên, bất luận những quy định pháp lý đối với lĩnh vực công nghệ bị siết chặt.
"Nếu bạn hỏi tôi, tôi sẽ nói rằng hãy điều này sẽ kéo dài ít nhất 20 hoặc 30 năm nữa", ông Tariq Dennison dự đoán trên đài CNBC về khoảng thời gian mà Trung Quốc siết chặt quy định đối với doanh nghiệp công nghệ.
"Tất cả điều này đã xảy ra theo từng giai đoạn - hãy nhìn các quy định đối với công nghệ đã đi xa đến mức nào chỉ trong 30 năm qua", đại diện Quỹ quản lý tài sản GFM lưu ý. Chuyên gia này ví von: "Những điều này có thể trông giống như chúng đã xảy ra theo từng bước, nhưng có rất nhiều bước đi trên một con đường rất dài".
Tuy nhiên, ông Tariq Dennison không cho rằng các nhà đầu tư dài hạn vì thế mà sẽ chùn bước trước một thị trường công nghệ Trung Quốc hấp dẫn nhưng còn nhiều điều không chắc chắn.
"Lúc này đây tôi có thể nói rằng, thực sự ngày càng nhiều vốn dài hạn đang đổ vào cổ phiếu của Baidu, Alibaba, Tencent, và JD vì nhà đầu tư nhắm vào triển vọng dài hạn", ông Tariq Dennison cho biết. Dòng vốn dài hạn này thường ít mang tính đầu cơ hơn.
Đầu tư vào ngành công nghệ Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục dâng cao trong thời gian tới khi mà mới đây nhà phát triển game di động NetEase cho biết doanh nghiệp này sắp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của nền tảng phát nhạc trực tuyến Cloud Village.
Công ty con của NetEase sẽ chào bán 16 triệu cổ phiếu với mức giá từ 190 - 220 đô la Hong Kong/cổ phiếu. Nếu thực hiện quyền phân bổ vượt mức, Cloud Village sẽ được phát hành thêm 2,4 triệu cổ phiếu.
Hiện mức giá cổ phiếu cuối cùng vẫn chưa được ấn định. Nhưng với mức giá dự kiến trên, Cloud Village sẽ huy động được khoảng 4,04 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 519,6 triệu USD), chưa bao gồm phí và các chi phí khác liên quan đến IPO.
Doanh thu quý III/2021 của Cloud Village đã tăng 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 5,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 799,6 triệu USD), nhưng đơn vị này vẫn đang gồng lỗ do phải cạnh tranh thị phần với Tencent. Doanh thu của Cloud Village chủ yếu đến từ lượng người dùng đăng ký, quảng cáo và các món đồ ảo được giao dịch trên nền tảng này.
Nhiều tháng nay, Trung Quốc đã siết chặt các quy định pháp lý nhắm vào những "gã khổng lồ" công nghệ số của nước này, trong đó có việc ban hành một loạt quy định luật pháp đối với nhiều vấn đề, từ chống độc quyền cho đến bảo mật dữ liệu. Các động thái này đã làm dấy lên lo ngại trong giới đầu tư và vốn hóa của các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đã "bốc hơi" hàng tỷ USD.
Ngoài công nghệ, giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc cũng bất an trước nguy cơ vỡ nợ của Evergrande Group - tập đoàn bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc (xét về doanh số).
Dẫu vậy, Giám đốc Quỹ quản lý tài sản GFM vẫn cho rằng những "ông lớn" công nghệ của Trung Quốc vẫn có thể hưởng lợi từ bất kỳ quy định mới nào của Bắc Kinh.
Đơn cử như chính sách thịnh vượng chung của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tariq Dennison cho rằng: "Các quy định mới có thể thu hút các công ty công nghệ hơn và mang lại cho họ những động lực lớn hơn, chẳng hạn Tencent rất có khả năng thích ứng với bất kỳ quy định mới nào và tìm ra những cách thức mới để kiếm tiền. Họ có rất nhiều người dùng để phục vụ trong một mô hình thịnh vượng chung".
Chuyên gia này nhận định, chính sách thịnh vượng chung của Trung Quốc về cơ bản sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và phát triển tầng lớp người tiêu dùng trung lưu lớn mạnh. Và đây đều là những đối tượng khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ của Baidu, JD, và Alibaba.