Viễn thông - Công nghệ
Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư/năm
Tú Ân - 17/04/2024 16:35
Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.

Ngày 17/4, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo “Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam cũng xác định “công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.

Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực thiết kế chip bán dẫn.

Dẫn số liệu tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Hoàng Cương, Trưởng Ban công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel cho biết, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới. Gần đây, khi ngành chip thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đang quay trở lại Việt Nam. Muốn đạt kế hoạch 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn, các trường đại học phải tăng gấp 10 lần quy mô nhân sự so với toàn bộ thành quả gần 20 năm qua (hơn 5.000 người).

Theo ông Cương, người Việt có lợi thế lớn về nguồn nhân lực, với năng khiếu trong các ngành toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học (STEAM) - đều là yếu tố căn bản trong việc làm chip, từ lợi thế nhân lực sẽ tạo ra lợi thế khác, từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Tính riêng lĩnh vực thiết kế chip, để đáp ứng mục tiêu phát triển, Viettel có nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2030 là hơn 500 kỹ sư và năm 2035 là hơn 1.000 kỹ sư. Trong đó có hơn 20% nhân sự có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Về cơ cấu chuyên môn, khoảng 10% kỹ sư tham gia thiết kế kiến trúc hệ thống chip, 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn thiết kế nguyên lý (front-end design), 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn kiểm định thiết kế (verification) và 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn thiết kế vật lý (back-end design).

Còn PGS-TS. Trương Việt Anh, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm. Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết thực hiện phát triển công nghệ bán dẫn (nhiệm vụ từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045), tập trung đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu công nghệ lõi R&D phục vụ xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Kế hoạch trung hạn (2024-2030), Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu mạnh về công nghệ bán dẫn trong khu vực, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tập trung phát triển các công nghệ lõi về vi mạch và chip bán dẫn. Đến năm 2030, nghiên cứu phát triển thành công và nội địa hóa thiết kế, chế tạo một số IC và chip bán dẫn ứng dụng trong các hệ thống thông minh, phát triển nội địa hóa sản phẩm trong công nghiệp bán dẫn trong nước.

Đến năm 2045, Bách khoa Hà Nội là Đại học nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực chip bán dẫn, góp phần vào phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam để trở thành quốc gia phát triển có thế mạnh trong công nghiệp bán dẫn.

Tin liên quan
Tin khác